Cây cao su là cây công nghiệp lâu năm được trồng phổ biến tại các vùng Đông Nam Bộ. Cây có nhiều giá trị kinh tế, cả nhựa mủ, gỗ, lá, hạt của cây đều được sử dụng để sản xuất ra các đồ gỗ và các vật dụng hàng ngày. Với hơn 120 năm được trồng hợp khí hậu, thổ nhưỡng tại Việt Nam, đây được xem là cây nguồn lực chủ yếu trong sản xuất cao su tự nhiên
Đặc điểm sinh thái cây cao su
Tại Việt Nam, cây cao su được trồng chủ yếu tại Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương. Vùng Đông Nam Bộ chiếm tới 60% diện tích cao su của cả nước. Loại cây này phù hợp với khí hậu nóng ẩm, đất có tầng sâu trên 1.5m, không bị úng nước, nhiệt độ từ 23 - 30 độ C.
Cay cao su có một số đặc điểm sau:
- Thân: Thân cây cao su có hình trụ tròn, thẳng đứng, cao từ 20 - 30m, thậm chí lên đến 50m, tán lá rộng.
- Rễ: Rễ cây cao su là rễ cọc kết hợp rễ bàng. Rễ cọc cắm sâu xuống đất để giúp chống đổ, rễ bàng phát triển rộng, hút chất dinh dưỡng.
- Lá: Lá cây cao su là loại lá kép với 3 lá chét, mọc thành từng tầng. Ở những vùng có mùa khô rõ rệt, cây có giai đoạn rụng lá mỗi năm.
- Hoa: Hoa cao su mọc thành chùm sau mỗi đợt thay lá hàng năm.
- Quả: Hình tròn hơi dẹt, được chia thành 3 ngăn, mỗi ngăn chứa 1 hạt.
- Hạt: Hạt cao su tròn, vỏ loang nâu trắng, có chứa tỷ lệ dầu khá cao.
- Tuổi thọ: Cây cao su có tuổi đời khá cao, tuổi thọ khai thác mủ từ 25 - 30 năm.
Lợi ích của cây cao su
Cây cao su mang lại vô vàn lợi ích, mỗi bộ phận của cây đều được sử dụng trong cuộc sống:
- Nhựa mủ: Nhựa cao su sau khi khai thác được sử dụng để làm lốp xe, đệm cao su, găng tay y tế và nhiều sản phẩm từ cao su khác.
- Gỗ cao su: Đây là loại gỗ chất lượng tốt, được khai thác khi cây cao su hết thời gian khai thác mủ. Gỗ từ cây cao su được sử dụng trong công nghiệp sản xuất đồ gỗ, phôi gỗ, ván ghép,...
- Ngoài ra, hạt, lá... của cây cao su cũng được ứng dụng rất nhiều trong đời sống hàng ngày.
Mủ cao su có độc không?
Theo các nghiên cứu, mủ cao su là một chất độc có thể gây ô nhiễm nguồn nước tại nơi trồng cao su và ảnh hưởng tới sức khỏe của người khai thác mủ, có thể làm giảm 3 - 5 năm tuổi thọ nếu làm việc này trong thời gian dài.
Trong quá trình xử lý mủ cao su, mercaptan (hợp chất hữu cơ) và Hydro Sulfua (H2S) có thể được tạo ra và ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sức khỏe của con người.
- Mercaptan: Khi tiếp xúc với chất này, con người có thể bị kích ứng với da, niêm mạc (mắt, mũi,…), gây nôn, buồn nôn, đau đầu, bất tỉnh, mạch đập nhanh, thậm chí tổn thương gan, phù phổi và tử vong.
- Hydro Sulfua: Khi hít phải khí này, con người có thể bị ngạt, viêm màng kết, các bệnh về phổi, thở gấp, thậm chí ngừng thở.
Cây cao su thải ra khí gì?
Đã từng có một thời gian, mạng xã hội Việt Nam dậy sóng trước phát biểu của đại biểu Quốc hội Ksor H’Bơ Khăp (tỉnh Gia Lai): “Rừng là nơi hấp thụ CO2 để thải ra O2, nhưng cây cao su là loại cây hút O2 và thải ra CO2. Không có một con gì sống được ở trong rừng đó”.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia Nông nghiệp đã phân tích rằng: Cây cao su cũng như các loại cây khác, sẽ quang hợp hấp thu khí CO2 và sản sinh ra khí O2 khi có ánh nắng mặt trời. Vào ban đêm, không có ánh nắng mặt trời, cây hấp thu khí O2 và thải khí CO2 nhưng với hàm lượng thấp.
Tác hại của cây cao su
Như đã phân tích ở trên, cây cao su mang lại lợi ích kinh tế rất lớn từ mủ và gỗ. Tuy nhiên, mủ cao su có thể gây hại cho sức khỏe của con người và nguồn nước của vùng trồng cây cao su. Vì thế, các cơ sở sản xuất cao su cần áp dụng đầy đủ các phương pháp xử lý khí thải, nước thải trước khi ra ngoài môi trường để đảm bảo an toàn cho người lao động và môi trường xung quanh.
Khai thác cây cao su
Để khai thác cây cao su lấy mủ, bà con thường làm như sau:
- Tiêu chuẩn cây khai thác mủ: Cây có tuổi đời từ 5 - 7 năm tuổi, có chu vi thân > 50cm (đo cách mặt đất 1m). Vườn cây đủ tiêu chuẩn là khi có khoảng 50% số cây đạt tiêu chuẩn như trên.
- Cách khai thác: Để lấy mủ, người ta dùng dao cạo đi một lớp vỏ mỏng trên thân cây nhằm gây ra vết thương để mủ chảy ra và hứng vào bát. Bát này thường được làm bằng đất nung, trong lòng chén có tráng lớp men sứ để dễ bóc mủ chén.
Các sản phẩm từ cây cao su
Cây cao su được ứng dụng rất nhiều trong đời sống. Mủ, gỗ, hạt,... cao su có thể được dùng để sản xuất thành các vật dụng quen thuộc.
Mủ cao su
Đây là nguyên liệu chính để sản xuất cao su ngành xây dựng như gờ giảm tốc, cao su chống va đập; ngành công nghiệp như cao su cửa kính, thảm cao su, cao su chịu nhiệt; ứng dụng trong ngành y tế như găng tay cao su,...
Gỗ cao su
Gỗ cao su được sử dụng để làm các đồ nội thất như: bàn ghế, kệ sách, cũi trẻ em, giường, tủ quần áo, tủ tivi,...
Hạt cao su
Hạt cao su được dùng để ép dầu làm xà phòng, dầu đốt. Nhân hạt cao su làm thức ăn cho cá. Vỏ hạt cao su chế than hoạt tính làm pin đèn, gỗ dán, gỗ cao cấp,…
Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cao su
Để trồng và chăm sóc cây cao su một cách tốt nhất, cần lưu ý một số điều sau:
Kỹ thuật trồng cây cao su
- Đất trồng: Trước khi trồng cao su 1 - 2 tháng, cần dọn cỏ trên đất và xới đất cho tơi xốp.
- Đào hố: Để cây cao su sinh trưởng tốt, nên đào hố với kích thước 60 x 60 x 60cm. Sau đó bón lót khoảng 10kg phân chuồng ủ hoai, 200g phân lân và 300g vôi. Trộn đều lượng phân này với lớp đất mặt rồi lấp xuống hố trước khi trồng cây 20 - 30 ngày.
- Mật độ trồng cây cao su là 6x3 m hoặc 6 x 3.5m, tương đương 500 - 550 cây/ha.
- Thời vụ trồng: Cây cao su thường được trồng từ tháng 6 - 10.
- Cách trồng: Có các hình thức trồng cây cao su như sau:
+ Trồng cây bầu: Đào hố nhỏ có chiều cao bằng bầu cây con, cắt bỏ phần rễ cọc nhú ra khỏi bầu hoặc bị xoắn dưới đáy bầu. Tiếp theo, đặt bầu cây xuống hố, mắt ghép quay về hướng gió chính và dùng dao cắt bỏ lớp túi bầu từ dưới lên, cắt đến đâu thì lấp đất đến đó. Cuối cùng lấp đất quanh gốc cây và nén chặt.
+ Trồng cây stum trần: Dùng cây mồi khoan một hố xuống đất sao cho độ sâu dài hơn chiều dài của rễ đuôi chuột (rễ cọc) của cây stum. Sau đó cho cây stum xuống, mắt ghép quay về hướng gió chính rồi lấp đất đến phần cổ rễ.
+ Trồng dặm: Khi trồng cây cao su được khoảng 20 ngày thì bà con cần kiểm tra xem có cây nào chết hoặc mắt ghép bị hỏng không. Nếu có thì cần phải dặm cây mới theo đúng giống đã trồng trong vườn.
Kỹ thuật chăm sóc cây cao su
- Tỉa chồi: Cắt tỉa chồi mọc dọc thân ghép hoặc từ gốc ghép trong phạm vi 2.5 - 3m. Nếu cây 3m mà chưa phân cành thì cần cắt ngọn để tạo cành.
ـ Làm cỏ: Thường xuyên làm cỏ xung quanh gốc cây cao su để cây sinh trưởng tốt. Với cổ gần gốc cây nên dùng tay để tránh làm xây xước gốc.
- Xới đất: Sau khi làm cỏ, nên xới nhẹ đất xung quanh gốc để đất tơi xốp.
ـ Bón phân: Nên bón phân thường xuyên cho cây, đặc biệt là trong giai đoạn từ năm thứ 3 đến năm thứ 6 để chuẩn bị cho quá trình khai thác.
- Ngoài các biện pháp trên, cần lưu ý phòng tránh cháy rừng cao su vào mùa khô, phòng trộm mủ,...
Các bệnh thường gặp trên cây cao su
Cây cao su có thể gặp một số bệnh dưới đây. Bà con lưu ý áp dụng triệt để các phương pháp ngăn ngừa và phòng bệnh hiệu quả.
- Bệnh phấn trắng: Bệnh khiến lá non từ 1 - 10 ngày tuổi bị rụng dần, trơ cuống trên cành. Với lá trên 10 ngày tuổi không bị rụng nhưng sẽ bị loang lổ, hai mặt lá có bột màu trắng.
- Bệnh héo đen đầu lá: Lá cây cao su từ 1 - 10 ngày sẽ có đốm nâu nhạt ở đầu lá, sau đó rụng dần. Với lá già, bệnh không gây rụng lá nhưng trên phiến lá sẽ có đốm u lồi. Bệnh héo đen đầu lá có thể gây khô ngọn từng cành, thậm chí chết cả cây.
- Bệnh rụng lá mùa mưa: Cuống lá cao su sẽ có cục mủ trắng hoặc đen, rụng cả 3 lá chét và cuống.
- Bệnh nấm hồng: Ban đầu, sợi nấm có dạng tơ, màu trắng trên vỏ cây. Khi bệnh nặng, nấm chuyển sang màu hồng. Bệnh khiến vỏ cây cao su bị hư hại, cành cây phía trên vết bệnh bị khô, chết, lá khô nhưng không rụng.
- Khô ngọn khô cành: Các chồi bị rụng lá và có những đốm nâu đen trên vỏ còn xanh sau đó lan dần xuống dưới và phần bị nhiễm chết khô.
- Cháy nắng: Lá bị cháy loang lổ, sau đó rụng và chồi non bị chết.
- Ngoài ra, cây cao su còn có thể bị bệnh loét sọc mặt cạo, thối mốc mặt cạo, khô miệng cạo hoặc bệnh nứt vỏ.
Hy vọng với những thông tin trên, quý bạn đọc đã có những kiến thức chi tiết về cây Cao su. Nếu còn thắc mắc về cây cao su nói riêng, các loại cây công - nông nghiệp, cây ăn quả, cây cảnh,... quý khách vui lòng để lại bình luận phía dưới bài viết để được chuyên gia của Khu Vườn Xanh tư vấn nhé!