Vú sữa là loại cây ăn quả phổ biến, được trồng rộng rãi tại Việt Nam. Quả vú sữa thơm ngon, được rất nhiều tín đồ trái cây mê mẩn. Vậy giống cây này có dễ không, cách chăm sóc như thế nào? Đừng bỏ lỡ bài viết dưới đây của Khu Vườn Xanh để tìm hiểu chi tiết về loại cây này nhé!
Đặc điểm cây Vú sữa
Vú sữa trong tiếng Anh có tên là Star apple, tên khoa học là Chrysophyllum cainino, một giống cây ăn trái có nguồn gốc từ đảo Antilles và các nước châu Mỹ nhiệt đới. Đây là loại cây thuộc họ hồng xiêm, vỏ xù xì, thân gỗ, tán rộng, có thể cao đến 10 - 15m. Lá vú sữa có hình ovan đơn, mọc so le nhau, mặt dưới nhẵn bóng.
Hoa Vú sữa thường mọc thành từng chùm, mùi thơm ngào ngạt rất dễ chịu. Sau khi hoa được thụ phấn sẽ hình thành quả tròn, da căng mịn có màu xanh, khi chín chuyển dần sang màu hồng nhạt, nâu nhạt tùy giống.
Mùa hoa vú sữa chính vụ vào khoảng tháng 10 âm lịch đến tháng 1 năm sau. Ở những vùng nắng ấm 2 mùa rõ rệt, cây ra hoa sai và đậu trái rất tốt. Do là loại cây lưỡng tính nên chúng có thể tự thụ phấn để cho ra trái. Những bông hoa màu trắng ánh tía, mọc thành từng chùm, rất sai hoa, có mùi thơm ngào ngạt rất dễ chịu. Thời điểm thu hoạch vú sữa rơi vào tháng 2 - tháng 3 âm lịch
Cây Vú sữa có mấy loại?
Hiện nay ở Việt Nam, dựa theo màu sắc có 2 loại chính là vú sữa da xanh và vú sữa da tím than, tuy khác nhau về màu sắc nhưng vị ngọt, mùi thơm gần giống nhau. Xét về giống có 7 loại vú sữa phổ biến bao gồm: vú sữa Lò Rèn, vú sữa Bắc Thảo, vú sữa Bảy Núi, vú sữa bơ Đồng Tháp, vú sữa Hoàng kim, vú sữa tứ quý, vú sữa tím Mica. Dưới đây là một số thông tin chi tiết.
Vú sữa Lò Rèn
Đây là đặc sản của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và phổ biến ở các tỉnh như: Tiền Giang, Đồng Tháp, Bến Tre,... Đặc điểm nhận dạng Vú sữa lò rèn là phần quả tròn, lớp vỏ màu tía khi chín, bên trong cùi thịt màu trắng có hình sao, vị ngọt, thơm ngon. Mùa thu hoạch quả rơi vào tháng 2 - 3 dương lịch hàng năm.
Vú sữa Bắc Thảo
Có nguồn gốc ở Tiền Giang, cây cao khoảng 10 - 15m, với hình dáng lá rất to, hình trứng. Trái vú sữa tím Bắc Thảo tròn, hơi dẹt 2 đầu, khi chín có màu nâu tím, thịt màu trắng, vị ngọt thanh, có khoảng 6 - 8 hạt/trái.
Vú sữa Bảy Núi
Được trồng phổ biến tại tỉnh An Giang, Vú sữa Bảy Núi có da màu xanh, quả rất sai, khi chín chuyển hồng nhạt, vỏ mỏng, thịt dày và mềm, mùi thơm, vị ngọt nhẹ, ăn rất ngon.
Vú sữa bơ hồng Đồng Tháp
Vú sữa bơ hồng sở hữu hình dáng quả tròn, vỏ mỏng, căng bóng, vỏ xanh nhạt, dày ruột, có mùi thơm dễ chịu, vỏ đẹp. Quả khi chín vỏ chuyển sang màu ửng hồng sáng bóng, phần thịt có màu trắng sữa vị ngọt thanh và thơm mùi bơ sữa. Hạn chế của giống bơ hồng là có số lượng quả ít, dùng tiêu thụ trong nước là chủ yếu.
Vú sữa hoàng kim
Đây là giống cây được nhập khẩu từ Đài Loan, trái có núm nhỏ nhọn ở phía dưới quả. Vỏ vú sữa hoàng kim Đài Loan mỏng, màu vàng, ruột trong, mềm, vị ngọt. Giá bán loại này cao hơn các loại khác, dao động từ 40.000đ - 60.000đ/1kg
Vú sữa tím Mica
Vú sữa tím Mica đột biến đang tạo sức hút rất lớn từ thị trường gần đây nhờ những ưu điểm nổi trội như: quả tím đậm, quả chín không có mủ, vỏ mỏng, giòn, thịt dày, hạt không có màng và vị ngọt thanh hơn nhiều các giống khác. Ưu điểm giống cây này chính là khả năng lớn nhanh, ra quả sớm và năng suất vượt trội hứa hẹn đem lại nguồn lợi xuất khẩu lớn
Vú sữa tứ quý
Thuộc giống cây cho trái quanh năm, Vú sữa tứ quý được phát hiện lần đầu ở Sóc Trăng và phát triển nhân giống phổ biến hiện nay. Ưu điểm là cho trái quanh năm, vỏ mỏng, có màu tím nhạt hơn với loại truyền thống, ít nhựa, nhiều nước và có vị ngọt vừa phải. Cây có khả năng phát triển tốt và chịu được xâm ngập mặn, ra quả bốn mùa, quả to, tiềm năng xuất khẩu rất lớn, được phát triển trồng ở nhiều tỉnh khác nhau như Bến Tre, Long An, Tiền Giang,...
Như trên đã phân tích, ở Việt Nam hiện tại có tới 7 loại, mỗi loại sẽ có hương thơm, vị ngọt và sự đánh giá độ ngon khác nhau tùy thuộc vào khẩu vị của người dùng. Nếu bạn là một tín đồ sành trái cây, bạn hãy thử cả 7 loại trên để cảm nhận và cho chúng tôi biết đánh giá của bạn nhé!
Giá trị dinh dưỡng trái Vú sữa
Với hương vị ngọt mềm dễ chịu, có chứa hàm lượng chất dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất dồi dào, cứ 100 gram vú sữa cung cấp 31 calo và có thể cung cấp:
- 14,65 g Carbohydrate
- 9,1 mg Vitamin C (axit ascorbic)
- 1,137 mg Vitamin B3 (Niacin)
- 0,49 mg Sắt
- 1,92g Tổng chất xơ
- 0,049 mg Vitamin B1 (Thiamin)
- 1,52g Protein
- 0,038 mg Vitamin B2 (Riboflavin)
- 18,95 mg Phốt pho.
Ngoài ra còn có nhiều axit amin như 0,004 g Tryptophan, 0,022 g Lysine và 0,002 g Methionine cũng được tìm thấy trong loại quả này.
Ý nghĩa cây Vú sữa trong phong thủy
Chắc hẳn lúc nhỏ, chúng ta đều biết đến sự tích “cây vú sữa” kể về tình mẫu tử thiêng liêng của mẹ dành cho con. Do đó, ngày nay cây vú sữa công trình còn được đưa vào danh mục cây trồng làm cảnh trong khu nhà biệt thự của các thành phố. Nhiều gia đình trồng loại cây trước sân nhà để nhắc nhở các thành viên về tình cảm đẹp đẽ này.
Xét theo phong thủy ngũ hành, cây Vú sữa hợp với người có mệnh Mộc và mệnh Hỏa mang ý nghĩa hút lộc tài, vượng khí, nhiều may mắn, hạnh phúc đong đầy và công việc gặp nhiều thuận lợi. Việc trồng cây trước nhà được các chuyên gia phong thủy đánh giá cao do khả năng hút dương khí và hạn chế âm khi xâm nhập vào nhà của gia chủ. Bạn cần chú ý tạo khoảng không gian thoáng cho cây phát triển và không ảnh hưởng tới phong thủy xấu của ngôi nhà
Cách trồng và Chăm sóc cây Vú sữa
Để cây vú sữa đơm hoa kết trái, kết tinh thành những trái thơm ngon thì kỹ thuật trồng và chăm sóc là vô cùng quan trọng. Dưới đây là một số hướng dẫn chi tiết dành cho bạn.
- Thời vụ trồng: Bạn có thể trồng bất kỳ thời gian nào quanh năm, nhưng tốt nhất nên trồng vào mùa mưa sẽ tiết kiệm được thời gian tưới tiêu và chăm sóc cho cây.
- Chọn cây giống: Nên chọn cây thân thẳng, vững chắc, lá to xanh tốt, chiều cao từ bầu đến ngọn khoảng 50 - 60cm, có từ 4 cành trở lên.
- Đất trồng: Cây phù hợp với nhiều loại đất khác nhau, trong đó phù hợp nhất với đất phù sa ven sông, ít chua, đất thịt nhẹ.
- Kỹ thuật trồng: Trước khi trồng 15 ngày, đào hố rộng từ 40 - 50cm, sâu 20 - 25cm rồi lót khoảng 20kg phân hữu cơ, 300g phân NPK. Đặt cây vào giữa hố, cắt bỏ vỏ bầu, lấp đất chặt và cắm cọc cố định cây để tránh gió làm lay gốc. Sau đó, tưới nước và phủ một lớp rơm rạ lên gốc để giữ ẩm cho đất.
- Tỉa cành, tạo tán: Mỗi năm nên tỉa tán 1 - 2 lần để loại bỏ các cành sâu bệnh, cành phụ ốm yếu.
- Bón phân: Nên bổ sung dinh dưỡng cho cây hàng năm để cây phát triển tốt.
Phòng bệnh cho cây Vú sữa
Cây có nhiều sâu bệnh hại thường gặp như: sâu đục thân, sâu đục quả, rệp sáp, sâu ăn hoa, thối quả, bệnh bồ hóng,... Đối với các loại bệnh này khi cây mắc phải, nhẹ thì cây sẽ tự khỏi, tuy nhiên cây sẽ giảm năng suất, còi cọc; nặng thì cây sẽ héo úa, khô thân và sinh trưởng kém dẫn tới chết dần. Để phòng bệnh cho cây, bạn nên chú ý một số điều sau:
- Không trồng với khoảng cách quá dày.
- Thường xuyên tỉa cành tạo tán cây hợp lý để vườn cây thông thoáng.
- Chú ý phun thuốc phòng trị rệp sáp trong mùa hè.
- Khi phát hiện có cành bị sâu, quả thì thối thì nên tiêu hủy hoặc đem chôn để tránh lan sang cây khác.
Giá bán cây Vú sữa giống
Trên thị trường cây ăn quả hiện nay rất đa dạng các loại cây giống vú sữa với nhiều kích thước và chủng loại khác nhau, tùy thuộc vào nhu cầu và sở thích bạn có thể chọn cho mình giống cây phù hợp với khu vực trồng, đất trồng và mục đích sử dụng.
- Giá bán vú sữa tại chợ hoặc các siêu thị: 45.000đ - 50.000đ / kg
- Giá cây vú sữa giống dao động từ 30 - 100.000 VNĐ/cây đối với các cây có chiều cao khoảng 50cm - 70cm.
- Đối với các gốc cây cao, cây công trình, cây trưởng thành có thể cao hơn, dao động từ 500.000 VNĐ - 10.000.000 VNĐ
Hiện nay, có rất nhiều địa chỉ cung cấp, phân phối cây giống. Tuy nhiên, không phải địa chỉ nào cũng có cây chuẩn 100%. Do đó, bạn nên lựa chọn đơn vị cung cấp uy tín, nhận được nhiều đánh giá tốt từ khách hàng.
Bài viết trên đây đã cung cấp các thông tin chi tiết về đặc điểm, phân loại, ý nghĩa phong thủy và cách trồng, chăm sóc cây Vú sữa. Nếu còn thắc mắc, đừng ngần ngại, hãy liên hệ với Đội ngũ tư vấn của Khu Vườn Xanh để được tư vấn chi tiết hơn nhé!