Cây thuốc Dòi được biết đến là một trong những loài cây thảo dược vàng trong công cuộc hỗ trợ điều trị, ngăn ngừa các bệnh lý khác nhau. Vì thế, việc sử dụng cây mang lại hiệu quả cao được rất nhiều người quan tâm. Sau đây, Khu Vườn Xanh sẽ giải đáp cho các bạn về đặc điểm, tác dụng và cách trồng chi tiết. Hãy cùng theo dõi bài viết này nhé!
Thông tin về cây Thuốc Dòi
Thuốc Dòi hay Bọ mắm còn được gọi là cây Bơ nước tương, cây Vòi, Đại kích biển,... Tên khoa học của cây là Pouzolzia zeylanica, cây thuộc họ tầm gai hay tầm ma. Vì cây có chức năng tiêu diệt những con Dòi trong mắm nên được gọi là cây thuốc Dòi.
Cây bọ mắm là loài cây mọc hoang ở ven đường, ven rừng, đồng ruộng. Cây rất dễ sinh trưởng và phát triển ở những nơi có khí hậu ẩm ướt. Cây có nguồn gốc và phân bố chủ yếu ở Việt Nam, Ấn Độ và Philippin.
Ở Việt Nam, cây thuốc Dòi thường mọc ở khắp nơi trên mọi miền tổ quốc, và miền Nam là khu vực nhiều nhất. Để bạn đọc có thể hiểu rõ hơn về loài cây này, sau đây Khu Vườn Xanh sẽ giới thiệu chi tiết cho các bạn về đặc điểm hình thái của loài cây này:
- Thân cây: Là một loại cây thân thảo, nhỏ, thân màu tím. Thân cây cao khoảng 15 - 20cm, sống thành bụi. Thân cây có những lớp lông mỏng mịn bao phủ, cành cây mềm được chia làm nhiều nhánh nhỏ.
- Lá cây: Lá cây thuốc Dòi có màu xanh lục, hoặc màu tím. Lá dài khoảng 4 - 9cm, rộng 1.5 - 2.5cm. Lá hẹp, hình mác, 2 mặt của lá đều có lông cứng. Đầu lá thon, nhỏ, mọc so le với nhau.
- Phần Hoa: Hoa cây bọ mắm khá là nhỏ, được mọc thành chùm. Cây cho ra hoa khoảng tháng 7 đến tháng 8 hàng năm.
- Phần Quả: Quả thuốc Dòi hình dáng như những quả trứng, màu trắng, màu sáng nâu hoặc là màu vàng tối. Mùa cây cho ra quả từ tháng 8 đến tháng 10.
Phân loại giống cây Thuốc Dòi
Thuốc Dòi thường được biết đến với hai loại chính là cây thuốc Dòi thân tím và thân xanh. Hai loại cây này có đôi chút khác biệt về hình dáng và công dụng. Chúng ta cùng tìm hiểu xem chúng khác ở điểm nào nhé.
Thuốc Dòi thân tím
Đặc trưng của cây thuốc Dòi thân tím là lá và thân của cây đều có màu tím. Cây dễ sinh trưởng, dễ trồng và dễ chăm sóc. Cây có tác dụng rất tốt trong quá trình hỗ trợ, điều trị các căn bệnh lý.
Thuốc Dòi xanh
Cây thuốc Dòi xanh có lá và thân đều mang màu xanh, chúng không được sử dụng trong y học và thường được người dân chủ yếu dùng trong sản xuất mắm.
Từ xa xưa, khi khoa học chưa phát triển cây thuốc Dòi xanh được gọi là cây quý trong nhà của những người dân làm mắm. Để có thể có những mẻ mắm thơm, ngon, đầy đủ chất dinh dưỡng và không bị con Dòi “tấn công” thì người dân thường cho lá cây thuốc Dòi xanh (hay còn được gọi là cây bọ mắm) vào trong những chum mắm. Nhờ có lá Dòi mà trong suốt quá trình sử dụng và lưu trữ, mắm sẽ không bị Dòi làm hỏng.
Tác dụng của Cây thuốc Dòi
Cây thuốc Dòi bọ mắm có rất nhiều tác dụng với việc hỗ trợ chữa trị và bảo vệ sức khỏe của con người. Tuy nhiên, việc sử dụng cây không đúng cách cũng gây ra tác hại xấu với con người. Vì vậy, khi sử dụng cây thuốc các bạn nên tìm đến sự tư vấn của các y bác sĩ.
Thành phần hóa học
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, trong thân cây thuốc Dòi có chứa những chất: Glycoside, Alkaloid, Flavonoid, Isoflavone, Polyphenol, Tannin. Những chất có hoạt tính sinh học này có khả năng ngăn ngừa ung thư, kháng nấm, kháng khuẩn, ức chế sự phát triển của tế bào.
Trong Đông y, cây thuốc Dòi có tác dụng rất tốt trong công cuộc điều trị các loại bệnh lý. Cây có thể hỗ trợ chữa các căn bệnh như thanh nhiệt, trị mụn nhọt, giải độc, thông tắc tia sữa, thông tiểu, tiêu viêm, loại bỏ nọc độc của rắn,....
Cây thuốc Dòi chữa bệnh phổi
Theo Đông y, lá cây thuốc Dòi có vị hơi ngọt nhạt, mát. Lá thuốc Dòi có tốt cho phổi, vì vậy những người bị bệnh lao phổi có thể sử dụng loài cây này để chữa bệnh.
Việc áp dụng lá Dòi chữa bệnh phổi chỉ nên sử dụng trong giai đoạn đầu của bệnh và phải được sự đồng ý của bác sĩ. Trong quá trình kết hợp với thuốc tây, người bệnh không được tự kết hợp cây thuốc Dòi trong quá trình điều trị bệnh. Nếu sử dụng bừa bãi, quá liều có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người bệnh.
Cây thuốc Dòi trị dạ dày
Trong cây thuốc Dòi có chứa chất Alkaloid, đây là một chất có chức năng làm giảm hoạt động tiết axit trong dạ dày. Đặc biệt, cây còn có tác dụng chống lại vi khuẩn HP( Helicobacter pylori) gây viêm loét dạ dày, ung thư dạ dày, phục hồi vùng niêm mạc bị thương.
Tuy nhiên, việc sử dụng cây thuốc Dòi chỉ thích hợp với những bệnh nhân bị đau dạ dày nhẹ, đang ở giai đoạn đầu của bệnh. Để có thể chữa bệnh một cách tối ưu, ngoài làm theo chỉ định của bác sĩ các bạn nên luyện tập thói quen ăn uống điều độ, lành mạnh, tập thể dục thể thao thường xuyên.
Cây thuốc Dòi trị ho
Vì cây có tính mát, tác dụng chỉ khái, tiêu đờm nên rất thích hợp điều trị ho, ho có đờm, ho dai dẳng, đau họng, viêm mũi,....
Tác hại của cây thuốc Dòi
Mặc dù cây thuốc Dòi rất tốt cho sức khỏe nhưng việc sử dụng quá liều, không đúng sẽ gây ra những ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của con người. Dưới đây là những lưu ý mà bạn đọc cần phải nắm rõ trước khi sử dụng loại cây này:
- Mỗi ngày chỉ được dùng từ 10 - 20g cây Dòi. Trường hợp người dùng muốn tăng, giảm liều lượng cần phải hỏi ý kiến từ Bác sĩ.
- Khi sử dụng cây thuốc, cần liên hệ trực tiếp với bác sĩ chuyên khoa, không nên tự động sử dụng dược liệu.
- Không nên dùng cây Dòi trong mục đích lợi tiểu, trường hợp sử dụng thuốc có thể xuất hiện tình trạng rối loạn điện giải, mất nước.
- Không nên sử dụng cây Dòi với phụ nữ có thai vì có thể gây ra hiện tượng sảy thai.
- Những người bệnh bị huyết áp, tiểu đường cần phải hết sức chú ý khi sử dụng.
- Trước khi dùng sản phẩm cần phải làm sạch rồi mới tiến hành sử dụng.
Cách trồng và Chăm sóc cây thuốc Dòi
Bên ngoài tự nhiên cây thuốc Dòi phát triển rất tốt, cây sinh trưởng nhanh và ít sâu bênh. Do vậy cây được đánh giá là dễ trồng và dễ chăm sóc, bạn chỉ cần chú ý tới một vài điểm sau:
- Chọn giống: Bạn có thể trồng bằng cây con hoặc chọn hạt giống để trồng.
- Về cây con: Bạn nên chọn những cây khỏe, tươi, không có những dấu hiệu bị sâu bệnh hoặc nhiễm bệnh. Gốc cây phải được bám chặt vào bầu đất, không nên mua những cây trồng có hiện tượng bị lỏng gốc, nứt.
- Về hạt giống: Bạn hãy tìm mua hạt giống ở những đơn vị uy tín chuyên cung cấp hạt giống.
- Đất trồng: Đất trồng nên tơi, xốp, đất trồng nên ở vị trí khô ráo, không dễ bị ngập, úng.
- Ánh sáng: Cây thuốc Dòi thích hợp trong môi trường có nhiều ánh sáng, bạn hãy cung cấp đủ ánh sáng để cây trồng được sinh trưởng và phát triển tốt.
- Độ ẩm: Cây khá ưa ẩm nên bạn cần thường xuyên tưới nước cho cây để đảm bảo độ ẩm cho cây trồng. Thời điểm sáng sớm và chiều tối sẽ là thời điểm lý tưởng để cung cấp nước cho cây trồng.
- Phân bón: Bạn có thể sử dụng loại phân bón hữu cơ thường xuyên để bón phân cho cây.
- Thu hoạch: Thời điểm thu hoạch cây lý tưởng từ 3 đến 6 tháng sau khi trồng cây. Bạn nên thu hoạch vào buổi sáng, sau khi sương đã khô để đảm bảo được chất lượng của cây. Để giữ được độ dinh dưỡng cao của cây, bạn nên phơi khô cây ở điều kiện bóng râm.
Cây thuốc Dòi giá bao nhiêu và mua ở đâu?
Hiện nay, trên thị trường Việt Nam bán rất nhiều cây thuốc Dòi. Bạn có thể đến các chợ giống cây trồng, hoặc viện nghiên cứu, sàn thương mại điện tử để mua. Giá bán cây giống thuốc Dòi giao động khoảng 120.000 - 150.000 đồng/kg.
Cây thuốc Dòi Bọ mắm là một loại dược liệu tốt, có rất nhiều công dụng trong hỗ trợ điều trị các bệnh lý. Hy vọng rằng bài viết trên sẽ mang lại nhiều kiến thức hay, bổ ích cho bạn đọc. Nếu các bạn yêu thích cây cảnh, hoa lá hãy thường xuyên ghé thăm Khu Vườn Xanh mỗi ngày nhé.