Cây Trứng cá (Mật sâm) là giống cây xuất hiện khá phổ biến khắp các vùng miền ở Việt Nam. Cây có nguồn gốc từ Nam Mỹ và có tác dụng rất tốt cho việc thanh lọc cơ thể, cung cấp các khoáng chất tốt cho con người. Để biết thêm những thông tin hữu ích về giống cây trồng này, các bạn hãy cùng Khu Vườn Xanh tham khảo qua bài viết dưới đây nhé.
Đặc điểm của Cây Trứng cá
Cây trứng cá còn được gọi là cây Mật sâm, đây là giống cây thân gỗ nhỏ có tên khoa học Muntingia calabura. Đặc điểm nổi bật của cây Trứng cá là cây có thể sinh trưởng trong mọi hoàn cảnh đất đai, khí hậu, vì khá dễ trồng và dễ chăm sóc nên cây thường được trồng gần bờ sông để giữ đất, tránh sạt lở và làm giảm độ chua, độ mặn của đất trồng.
Cây Mật sâm có một số đặc điểm hình thái nổi bật và dễ dàng nhận biết như:
- Phần thân: Thuộc loài thân gỗ, có nhiều nhành cây nhỏ xếp theo tầng với chiều cao trung bình từ 7m- 12m.
- Phần lá: Hình dạng lá là hình trứng, chiều dài gấp 1,5 - 2,5 lần chiều rộng. Lá cây Trứng cá có hình dạng như mép răng cưa, chóp lá nhọn hoắt, lúc còn non lá có màu xanh còn khi trưởng thành lá sẽ chuyển sang màu ngả vàng.
- Phần hoa: Màu trắng gồm 5 cánh hoa rời, kích thước hoa nhỏ, cuống dài, đế hoa nằm trên cuống hoa.
- Phần Quả: Quả Trứng cá thuộc loại quả mọng, hình dạng giống như viên bi, là loại quả ăn được, chứa dịch ngọt và nhiều hạt li ti màu vàng tương tự như trứng của con cá. Đây cũng là lý do mà mọi người đặt tên cho loài cây này là cây Trứng cá.
Thành phần dinh dưỡng quả Trứng cá
Theo các tài liệu nghiên cứu hoa học, trong các bộ phận của cây Trứng cá có giá trị dinh dưỡng cao với thành phần hóa học rất đa dạng, có trong rễ, lá và quả như sau: Kcal, Oxit nitric, Protein, Lipid, Chất xơ, Nước, Cacbohidrat, Canxi, Photpho, Sắt, Flavonoid ( còn gọi là vitamin P), Phenolic, Methanolic, Dihydrochalcones… và các loại vitamin A, vitamin C,...
Nhờ những thành phần dinh dưỡng có lợi này, cây Trứng cá có thể tận dụng các bộ phận khác nhau để ứng dụng làm thuốc chữa bệnh, thực phẩm và làm đồ uống.
Ứng dụng của Cây Trứng cá
Nói về ứng dụng, các bộ phận của cây Trứng cá đều có thể được tận dụng với nhiều công dụng khác nhau từ y học đến đời sống. Các bộ phận của cây đều có thể được bào chế thành dược liệu, mang đến tác dụng tốt cho sức khỏe của con người.
- Dùng làm thuốc chữa bệnh: Cây trứng cá khá lành tính vì vậy cây được dùng làm dược liệu chữa một số bệnh như: Chống viêm, phòng ngừa bệnh ung thư, giữ cân bằng huyết áp và hệ tim mạch, điều trị bệnh đái tháo đường…
- Cây cảnh trồng trang trí: Cây trứng cá có rất nhiều công dụng tốt cho đời sống, cây được trồng để ngăn ngừa đất sạt lở, cải thiện đất trồng hoặc làm cây bóng mát trang trí nhà cửa. Quả của cây Trứng cá được sử dụng để ăn và lá làm trà để uống.
- Dùng làm thực phẩm: Phần quả trứng cá tại một số nơi được thu hoạch dùng để làm thực phẩm và bán ngoài chợ. Quả có thể chế biến thành mứt và lá có thể sử dụng như một loại chè.
- Dùng làm đồ gỗ mộc gia dụng: Gỗ từ cây trứng cá có màu nâu đỏ nhưng lại khá rắn chắc, bền và nhẹ, có thể dùng làm đồ mộc gia dụng cỡ nhỏ hoặc dùng làm củi đun. Ngoài ra vỏ cây có thể dùng làm dây thừng được sử dụng hàng ngày.
- Dùng làm cây trồng khôi phục rừng: Do đặc điểm sinh trưởng và khả năng sinh sống tốt được ở các vùng đất nghèo dinh dưỡng và khô cằn cũng như khả năng phủ tán cao nên nó cũng có thể dùng làm loại cây trồng trong các dự án tái trồng rừng và bảo vệ môi trường rừng.
Tác dụng của quả, lá cây Trứng cá
Cây trứng cá được đánh giá là có rất nhiều tác dụng tốt đối với sức khỏe con người. Trong quả và lá chứa rất nhiều Vitamin A, Vitamin C, Vitamin P, chất xơ… và nhiều dưỡng chất có lợi khác. Dưới đây là những công dụng tuyệt vời của cây Trứng cá mang lại:
- Kháng khuẩn: Về công dụng kháng khuẩn, lá cây Trứng cá có thành phần Flavonoid nên có tác dụng kháng khuẩn( tác dụng không quá mạnh). Tuy nhiên, sử dụng lá cây với một liều lượng nhất định có thể khiến tình trạng nhiễm khuẩn thuyên giảm, làm giảm cảm giác đau rát do viêm nhiễm và tránh được tình trạng viêm nhiễm trở nặng dẫn tới sốt cao.
- Ngừa bệnh tim mạch: Trong lá cây Trứng cá có thành phần chống oxy hóa giúp cân bằng hệ tim mạch, giảm tình trạng đau nhói, viêm cơ tim hoặc tắc nghẽn hệ mạch.
- Cân bằng huyết áp: Trà được làm từ lá cây Trứng cá có thể giúp cân bằng huyết áp, tránh huyết áp quá cao hoặc quá thấp khi làm việc nặng, stress hoặc ăn uống không cân bằng.
Lưu ý: Để sử dụng cây làm bài thuốc đạt được hiệu quả, khi sử dụng bạn nên tham khảo ý kiến từ các y bác sĩ.
Tác hại của quả Trứng cá
Dù là thực phẩm, trái cây tốt đến mấy cũng không nên ăn quá nhiều vì sẽ dẫn đến tình trạng mất cân bằng dinh dưỡng, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người dùng. Một số lưu ý về tác hại của quả Trứng cá khi ăn không đúng thời điểm:
- Vào mùa mưa, quả Trứng cá thường bị dòi, vì ruột quả dạng lỏng và nhiều hạt vàng li ti nên cần lưu ý kỹ khi ăn để tránh ăn nhầm những quả có vòi.
- Quả thuộc loại trái cây có tính nóng, vì vậy không nên ăn khi nóng trong người, đang nổi mụn, mẩn ngứa hoặc nhiệt miệng vì sẽ dẫn đến diễn biến xấu hơn.
- Không nên ăn quá nhiều quả Trứng cá dẫn đến nóng trong người gây ra những bệnh lý liên quan như: gây rối loạn chất điện giải, mất ngủ, ảnh hưởng hệ tiêu hóa…
Cách trồng và chăm sóc cây Trứng cá
Trứng cá là loại cây khá dễ trồng và chăm sóc. Để cây được phát triển tốt nhất, ra sai quả, tán rộng, mang lại giá trị dinh dưỡng cao thì bà con nên chú ý một số vấn đề sau trong quá trình chăm sóc cây:
- Nhân giống: cây Trứng cá khá dễ trồng, bà con có thể trồng được bằng nhiều phương pháp khác nhau như: giâm cành, chiết cành hoặc gieo hạt. Với biện pháp giâm hoặc chiết cành thì bà con có thể tìm hiểu ở phương pháp nhân giống vô tính. Còn với biện pháp gieo hạt thì khá đơn giản, bà con chỉ cần chuẩn bị đất ẩm vừa phải, rồi gieo hạt quả Trứng cá, sau một thời gian hạt nảy mầm, ra cây non là bạn có thể tách trồng.
- Đất trồng: Loại đất thích hợp để trồng cây Trứng cá có độ pH từ 5,5 - 6,5 có chứa hàm lượng dinh dưỡng và độ tơi xốp, thoát nước tốt
- Nước: Cần tưới nước để giữ độ ẩm cho đất. Mỗi ngày bạn có thể tưới nước cho cây từ 1- 2 lần. Lưu ý: Nên tưới vào thời điểm mát mẻ như rạng sáng hoặc chiều tà để tránh cho cây bị sốc nhiệt.
- Phân bón: Thuộc loại cây dễ trồng nên có thể không bón phân, nếu muốn cây sinh trưởng tốt bạn có thể bón cho cây 1 - 2 lần/ tháng. Nên sử dụng thêm các loại thuốc chống côn trùng để ngăn ngừa cây khỏi các loài côn trùng gây hại.
- Ánh sáng: Cây ưa sáng nhưng không nên trồng ở nơi có ánh sáng mặt trời trực tiếp chiếu vào để cây không bị mất nước quá nhiều.
Cây Trứng cá giá bao nhiêu và mua ở đâu?
Hiện nay, trên thị trường giá bán cây Trứng cá dao động từ 180.000 VNĐ - 200.000 VNĐ, lá cây Trứng cá có giá khoảng 25.000 VNĐ/ 500g và khoảng 45.000 VNĐ- 50.000 VNĐ/ 1kg. Tùy thuộc vào thời gian và địa điểm cũng như chất lượng mà cây Mật sâm sẽ có những giá bán khác nhau. Để có được cây Trứng cá giống đạt chuẩn F1, các bạn hãy tìm đến những cửa hàng cây cảnh có tiếng, hoặc viện khoa học nghiên cứu thực vật, sàn TMĐT uy tín
Bài viết trên là những thông tin thú vị về Cây Trứng cá, là loại cây gắn liền với tuổi thơ của khá nhiều người. Nếu các bạn thấy bài viết này bổ ích thì hãy nhấn Like, Share và thường xuyên ghé thăm Khu vườn xanh để biết thêm nhiều thông tin thú vị về các loài hoa, thực vật khác nhé!