Danh mục Menu

Cây Tam thất - Đặc điểm, Phân loại, Tác dụng và Cách trồng chi tiết

Không phải ngẫu nhiên cây Tam thất lại được nhiều người lựa chọn sử dụng cũng như được ứng dụng trong cả y học cổ truyền và y học hiện đại. Giống cây dược liệu này mang đến khả năng điều trị nhiều bệnh lý và tăng cường sức đề kháng một cách hữu hiệu. Nếu bạn đang tìm hiểu thông tin chung về cây Tam thất thì đừng bỏ qua bài viết chi tiết dưới đây của Khu Vườn Xanh nhé.

Cây Tam thất là gì?

Cây Tam thất ở mỗi vùng khác nhau sẽ gọi theo một cái tên riêng biệt, nổi bật nhất là một số tên gọi như nhân sâm Tam thất, kim bất hoán,… Trong khoa học còn gọi là Panax Pseudoginseng, được xếp vào họ ngũ gia bì. Cùng với sự quý giá và công dụng hữu hiệu của mình, Tam thất còn được coi như “nhân sâm” điều trị “bách bệnh”.

Tam thất phân bố ở nhiều khu vực khác nhau thuộc khu vực Châu Á, trong đó tập trung nhiều nhất ở các tỉnh thuộc Trung Quốc như Giang Tây hay Tứ Xuyên. Tại Việt Nam, giống cây này mọc nhiều ở khu vực vùng núi các tỉnh Bắc Bộ, nổi bật nhất là Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn,…

Cây Tam thất có tên khoa học là Panax Pseudoginseng
Cây Tam thất có tên khoa học là Panax Pseudoginseng

Đặc điểm của cây Tam thất

Cây Tam thất có đặc điểm hình thái tương đối độc đáo, để có thể phân biệt giống cây này với các loại thực vật khác bạn chỉ cần quan tâm đến một số điểm như sau:

  • Phần thân cây: Tam thất thuộc giống cây thân thảo sống lâu năm và chiều cao trung bình dao động từ 40cm trở lên. Thân cây nhỏ, có màu nâu hoặc be vàng khi trưởng thành, khi còn non có màu xanh đậm. Phần rễ mọc thành củ còn gọi là củ Tam thất, đây là bộ phận được sử dụng nhiều nhất của cây, thường có hình trụ hoặc chùy nhược và mùi thơm nhẹ.
  • Phần lá: Lá Tam thất có dạng kép chân vịt, mọc theo vòng khoảng từ 6 – 7 lá chét chụm lại với nhau. Cuống lá không quá dài, có răng cưa nhỏ phần rìa lá, trên mặt lá không có lông, nổi gân cứng và có màu xanh đậm. Lá mọc nhiều từ gốc đến ngọn bao kín phần thân.
  • Phần hoa: Hoa Tam thất mọc theo dạng tán tròn, nhỏ kích thước trung bình khoảng 3 – 5cm. Mỗi chùm hoa gồm nhiều bông, khi còn non có màu xanh đậm và sau đó chuyển sang đỏ khi đã trường thành. Hoa mọc ở đầu cành, bên trong hoa có hai hạt hình cầu nhỏ.

Cây Tam thất có mấy loại?

Trong tự nhiên có 2 loại Tam thất phổ biến nhất là Tam thất Bắc, Tam thất Nam. Ngoài ra còn có thêm Tam thất rừng được đánh giá là chất lượng tốt nhất. Nhiều người cho rằng chúng giống nhau nhưng trên thực tế lại hoàn toàn khác biệt, bạn nên lưu ý để tránh nhầm lẫn.

Tam thất Bắc

Nổi bật và dễ tìm kiếm nhất là Tam thất bắc được coi là giống cây có họ hàng với nhân sâm, giống cây này sống lâu năm, thân cây có kích thước tối đa lên tới 60 – 70cm. Sở hữu những đặc điểm nổi bật như lá vòng, có nhiều răng cưa, hoa đỏ, hình cầu, phần củ có mặt sần sùi, thân củ có dạng tròn dài hoặc trụ, không đồng đều. Tam thất bắc có thể sử dụng để làm thuốc và phải trồng ít nhất 3 – 7 năm mới có thể thu hoạch.

Cây Tam thất Bắc
Cây Tam thất Bắc

Tam thất Nam

Khác với Tam thất bắc, Tam thất nam thuộc họ nhà gừng, có tên khoa học là Stahlianthus thorelii Gagnep, chính vì vậy chúng có những đặc điểm tương tự những giống cây họ gừng khác. Điển hình như là giống cây thân thảo, phần lá mọc rời và dài, kích thước lá có thể lên tới 15 – 20cm, màu xanh lục hoặc lục ngả nâu, tím. Phần hoa nằm ở trong cuống lá và có màu trắng ngả vàng, thời gian thu hoạch củ chỉ khoảng 12 tháng và củ có hình dạng như quả trứng chim.

Cây Tam thất Nam có tên khoa học là Stahlianthus thorelii Gagnep
Cây Tam thất Nam có tên khoa học là Stahlianthus thorelii Gagnep

Tam thất rừng

Được đánh giá là loại tam thất có giá trị hơn cả, Tam thất rừng có nhiều tên gọi khác nhau, trong đó phổ biến nhất là sâm vũ điệp, Tam thất đen, sâm hai lần chẻ,…

Cây Tam thất rừng mọc hoang
Cây Tam thất rừng mọc hoang

Chiều cao trung bình của chúng dao động từ 40cm, lá tròn, to và có lông trên bề mặt, củ có hình thuôn dài hoặc hình trứng, bề mặt sần sùi. Phần ruột của củ Tam thất rừng chia làm nhiều loại khác nhau với các màu sắc chính bao gồm ruột vàng, trắng, đỏ tía, xám ghi,…

Tác dụng của cây Tam thất

Một trong những điểm làm nên giá trị của cây Tam thất chính là việc tất cả các bộ phận của cây đều có tác dụng tốt trong việc điều trị các bệnh lý và có thể sử dụng hoàn hảo, không bỏ sót một thành phần nào. Trong đó những tác dụng chính có thể kể đến bao gồm:

Tác dụng của Tam thất bắc

Tam thất bắc có vị ngọt, hơi đắng và mang tính ôn với công dụng rất tuyệt vời cho sức khỏe:

  • Tam thất bắc giúp bồi bổ sức khỏe, tăng cường sức đề kháng, phòng ngừa bệnh tật.
  • Giúp bổ máu, an thần, chống căng thẳng, mệt mỏi.
  • Chất noto ginsenosid trong tam thất bắc giúp bảo vệ tim hoạt động bình thường, tránh tình trạng rối loạn, xơ vữa động mạch, giãn mạch,…
  • Tâm thất bắc còn giúp cầm máu, tiêu máu, giảm đau,….
  • Giảm sinh khối u, ức chế sự di căn của tế bào ung thư giúp nâng cao tuổi thọ cho người bệnh nhân ung thư.
  • Có tác dụng rất tốt cho phụ nữ sau sinh, điều hòa kinh nguyệt.
  • Cải thiện sắc đẹp, giảm nám, tàn nhang và dấu hiệu của lão hóa giúp da căng bóng, khỏe mạnh.  Tam thất bắc rất nhiều công dụngTam thất bắc rất nhiều công dụng

Tác dụng của tam thất nam

Tam thất nam, họ gừng nên có vị đắng hơn và tính cay nóng ấm. Vì vậy có những công dụng sau:

  • Hoạt chất trong tam thất nam giúp điều trị bệnh phong thấp, đau nhức xương khớp.
  • Tăng cường sức đề kháng, giúp phục hồi sau chấn thương nhanh vì giúp cầm máu, tiêu sưng.
  • Điều hòa kinh nguyệt rất hiệu quả và cải thiện các tình trạng rong kinh, thổ huyết…
  • Cải thiện hệ tiêu hóa khỏe mạnh.
  • Củ tam thất chữa bệnh về tuyến giáp.

Các sản phẩm từ cây Tam thất

Bên cạnh sử dụng trực tiếp, cây Tam thất hiện nay còn được sản xuất thành nhiều sản phẩm khác nhau nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng. Trong số đó phải kể tới những sản phẩm chính như:

Nụ hoa Tam thất

Nụ hoa Tam thất hay hoa Tam thất khô là sản phẩm được nhiều người ưa chuộng nhờ tính tiện lợi, khả năng bảo quản cao cũng như dễ dàng sử dụng. Bạn có thể pha trà, đun nước uống trong ngày thay cho nước lọc.

Tam thất tươi, khô

Tam thất tươi và khô được sử dụng với nhiều cách dùng khác nhau, đối với Tam thất tươi bạn cần chú ý sử dụng trong 1 – 2 ngày để tránh bị hỏng. Đối với Tam thất khô có thể bảo quản lâu hơn, dùng để uống, ngâm hoặc sử dụng cho các món hầm.

Bột Tam thất

Một sản phẩm khác được sử dụng rất phổ biến hiện nay chính là bột Tam thất, bột được dùng với nước ấm sau đó ăn trong ngày. Sản phẩm mang lại tác dụng tốt trong việc hỗ trợ điều trị mất ngủ, điều hòa huyết áp, kinh nguyệt,…

Bột Tam thất
Bột Tam thất nghiền mịn

Tam thất ngâm mật ong

Tam thất ngâm mật ong là sản phẩm có khả năng bảo quản trong thời gian dài, sử dụng đơn giản và tiện lợi. Bạn chỉ cần dùng 1 – 2 thìa Tam thất ngâm mật ong pha với nước ấm là có thể sử dụng được ngay mà không cần tốn công sơ chế.

Rượu Tam thất

Rượu Tam thất có hai cách dùng chính, đầu tiên chúng có thể sử dụng để uống và một cách khác là dùng để xoa bóp. Với sản phẩm này, bạn hoàn toàn có thể dễ dàng tìm mua với chi phí phải chăng.

Video hướng dẫn cách làm Tam thất ngâm Mật ong

Cách trồng và chăm sóc cây Tam thất

Giống như nhiều loại cây Dược liệu quý khác ở nước ta, cây Tam thất được nhân giống và trồng phổ biến thông qua phương pháp tách củ. Phương pháp này mang lại hiệu quả cao, kết hợp đây là giống cây dễ trồng và phát triển trên khá nhiều loại đất khác nhau, khả năng sinh trưởng tốt. Tuy nhiên để cây Tam thất cho cho thu hoạch chất lượng đạt tiêu chuẩn bạn cần chú ý tới kỹ thuật trồng cơ bản sau đây

  • Đất trồng: Tam thất cần trồng ở những nơi có điều kiện thổ nhưỡng thích hợp, đất trồng phải đáp ứng được độ ẩm, thoáng khí, tơi xốp và có dinh dưỡng. Khi trồng bạn có thể trộn thêm các loại phân bón để tăng cường dưỡng chất cho cây.
  • Thời điểm trồng cây: Khoảng thời gian thích hợp nhất để tiến hành trồng là vào mùa thu hoặc mùa xuân. Đây là những lúc thời tiết mát mẻ, không quá nóng hoặc lạnh, lại thường có mưa nhỏ, phù hợp với cho sự phát triển của cây con. 
  • Cách trồng: Có nhiều cách trồng Tam thất khác nhau trong đó phổ biến nhất là trồng hạt và trồng từ củ mầm. Đối với trồng hạt, bạn cần chú ý ngâm hạt trong vòng 48 giờ sau đó mới đem đi gieo. Nếu trồng từ củ mầm, bạn cần đặt củ vào chính giữa luống đất sau đó lấp kín phần gốc, chỉ để phần mầm nhú lên. Thường xuyên tưới nước để giúp cung cấp độ ẩm phù hợp.
  • Chế độ nước tưới: Cây Tam thất ưa ẩm, chính vì vậy bạn cần thường xuyên tưới nước ít nhất 1 lần/ngày. Đặc biệt là thời điểm cây mới trồng, nếu không cung cấp độ ẩm đủ, giống cây này sẽ không thể phát triển tốt và mạnh mẽ được.
  • Chế độ phân bón: Chế độ phân bón cũng là yếu tố quan trọng giúp Tam thất sinh trưởng ổn định. Bạn cần tiến hành bón phân thường xuyên với những loại phân như phân chuồng ủ, phân hữu cơ, phân vi sinh.
  • Làm cỏ: Để giúp vườn Tam thất thoáng và tạo điều kiện tốt nhất giúp Tam thất sinh sôi, bạn nên làm cỏ thường xuyên. Có thể sử dụng các loại thuốc ngừa cỏ hoặc vun luống khoảng 2 lần/tháng.

Giá củ, hoa Tam thất bao nhiêu và mua ở đâu?

Hiện nay Tam thất có nhiều giá bán khác nhau trên thị trường phụ thuộc vào từng địa chỉ cung cấp sản phẩm. Bên cạnh đó cũng có các yếu tố khác tác động đến giá cả của giống cây này, dưới đây là mức chi phí bạn có thể tham khảo:

  • Củ Tam thất: Tam thất nam có mức giá dao động từ 200.000 – 400.000 đồng/kg. Tam thất bắc có mức giá khoảng từ 500.000 – 2.000.000 đồng/kg.
  • Hoa Tam thất: Hoa Tam thất tươi có mức giá khoảng từ 600.000 đồng/kg và hoa Tam thất khô trung bình có chi phí khoảng 1.200.000 – 1.500.000 đồng/kg.

Bạn có thể mua Tam thất ở những cửa hàng dược liệu quý hoặc tiệm thuốc Đông Y, tiệm thuốc y học cổ truyền. Hiện nay cũng có một số trang mạng xã hội hoặc sàn thương mại điện tử có bán sản phẩm này, tuy nhiên bạn nên lựa chọn địa chỉ uy tín để tránh mua phải hàng giả, hàng nhái gây ảnh hưởng tới sức khỏe khi sử dụng.

Trên đây là toàn bộ thông tin giải đáp về cây Tam thất, cách sử dụng, công dụng và giá bán. Mong rằng thông qua bài viết bạn đọc đã có thêm những kiến thức hữu ích cho mình. Nếu bạn muốn biết thêm bất cứ thông tin về giống cây hay giống hoa nào hãy ghé thăm Khu Vườn Xanh để cập nhật chi tiết nhé. 

Chia sẻ
(5/5, 2 votes)
Thành Tâm

Thành Tâm

Tác giả