Danh mục Menu

Cây Keo: Đặc điểm, phân loại, công dụng, kỹ thuật trồng và chăm sóc chi tiết

Cây keo hay cây tràm là loại cây lấy gỗ được trồng phổ biến tại nước ta. Cây dễ trồng, sinh trưởng tốt trong điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng của Việt Nam. Sau khi được thu hoạch, gỗ keo sẽ được sử dụng với nhiều mục đích như: sản xuất giấy, thi công nội thất,... Ngoài ra, cây keo lấy gỗ còn được trồng để phủ xanh đất trống đồi trọc, chống xói mòn, làm bóng mát,... Hãy cùng Khu Vườn Xanh tìm hiểu chi tiết về loài cây này dưới đây nhé!

Đặc điểm của cây keo

Cây keo là cây thân gỗ lâu năm, có chiều cao trung bình từ 10 - 20m khi trưởng thành. Thân cây keo thường thẳng, ngọn có nhiều cành tỏa tán rộng. Ngoài ra, cây có một số đặc điểm khác như sau:

  • Vỏ cây: Vỏ cây keo có màu xám hoặc nâu, vỏ nhẵn. Khi cây càng lớn, vỏ càng dày và thô hơn. Ở các cây keo già, vỏ cây thường bong thành các mảng cứng. Thông thường, lớp vỏ cây keo có độ dày từ 3 - 10mm.
  • Lá keo: Trong thời kỳ cây mạ, lá keo có dạng kép lông chim. Khi cây lớn, lá có dạng đơn với 2 đầu nhọn hình lưỡi giáo. Lá thường dài từ 15 - 20cm, rộng từ 2 - 4cm. Phiến lá dày và cứng, nhẵn, bóng, có các đường gân lá chạy dọc từ đầu đến đuôi lá. Ở một số dạng cây như cây keo dậu, lá thuộc dạng lá kép với các phiến lá li ti mọc dọc theo đường gân lá.
  • Hoa keo: Hoa của cây keo thường có màu vàng rực rỡ. Hoa mọc theo chùm, các chùm có dạng trụ hoặc hình cầu vô cùng đẹp mắt. Vào mỗi mùa hoa keo nở, cả vùng trời sẽ ngập tràn sắc vàng, thu hút ong đến lấy phấn, tạo mật thơm ngon, sánh mịn.
  • Quả và hạt keo: Quả keo dài, dẹt và sẽ xoắn lại khi khô. Hạt cây keo có màu đen, nhỏ. Mỗi hạt keo sẽ có một sợi râu vàng cam bao bọc.
Cây keo là cây lấy gỗ được trồng rất phổ biến tại Việt Nam
Cây keo là cây lấy gỗ được trồng rất phổ biến tại Việt Nam

Các loại cây keo

Cây keo có nhiều loại như: keo dậu, keo lá tràm, keo tai tượng, keo lai, keo tương tư,... Mỗi loại sẽ có các đặc điểm vô cùng riêng biệt, tạo ra sự đa dạng cho loài cây này.

Cây keo dậu

Cây keo dậu hay còn gọi là keo lá nhỏ có vỏ cây màu xám cùng tán lá rộng. Lá keo dậu là lá kép lông chim 2 lần chẵn. Cây sinh trưởng tốt tại các vùng đất thông thoáng nước, chịu hạn tốt. Keo dậu thường được trồng thành hàng rào bao quanh các vùng trồng trọt và khá phổ biến tại Việt Nam.

Cây keo dậu

Cây keo lá tràm

Cây keo lá tràm là loại phổ biến thường được gọi là keo vàng, đạt chiều cao khoảng 10m khi trưởng thành. Cây có lá màu xanh, nhẵn bóng và thuôn dài, nhọn ở 2 đầu. Hoa keo tràm có màu vàng tươi rực rỡ, mọc thành từng chùm với các bông hoa tạo thành hình trụ đẹp mắt.

Keo lá tràm có kích thước gỗ nhỏ nên không được sử dụng trong sản xuất nội thất. Thay vào đó, thân cây có thể được dùng làm gỗ nhiên liệu hoặc được trồng để chiết tinh chất tanin trong vỏ cây.

Cây keo lá tràm

Cây keo tai tượng

Keo tai tượng là cây thân gỗ lớn với chiều cao trung bình từ 8 - 30m. Lá keo tai tượng màu xanh, nhẵn mịn 2 mặt, mặt lá có các đường gân dọc theo chiều dài của lá.

Cây keo tai tượng được trồng chủ yếu để làm gỗ nguyên liệu sản xuất giấy, gỗ ván dăm,... Cây có tốc độ sinh trưởng nhanh, ít sâu bệnh, phù hợp với nhiều điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu nên được trồng phổ biến tại nước ta.

Cây keo tai tượng có tên khoa học là Acacia mangium
Cây keo tai tượng có tên khoa học là Acacia mangium

Cây keo lai

Cây keo lai có tốc độ sinh trưởng nhanh, chất lượng gỗ tốt, phù hợp với điều kiện thời tiết khô hạn, chống chịu sâu bệnh tốt. Nhờ đó, loài keo này được trồng phổ biến tại nước ta, trong đó tập trung nhiều nhất tại các tỉnh Nam Bộ.

Cây keo lai

Cây keo tương tư

Cây keo tương tư còn được gọi với các tên khác như cây Đài Loan tương tư, cây sầu não. Đây là cây thân gỗ nhỏ, có thể đạt chiều cao đến 15m khi trưởng thành. Keo tương tư phân bố tại nhiều nơi thuộc khu vực nhiệt đới Thái Bình Dương, Đông Nam Á, đảo Hawaii,...

Cây keo tương tư

Cây keo ù

Cây keo ù hay còn gọi là me keo, keo gai, me tây hay me nước. Đây là loại cây thân gỗ, có gai, chiều cao lên đến 10m. Cây có nhiều nhánh nhỏ, tán lá rộng. Hoa keo ù có màu trắng xanh, mọc thành chùm, mùi thơm nhẹ.

Quả me keo có dạng xoắn dài, cong queo với nhiều hạt. Khi xanh, quả có vị chua chát còn khi chín có vị ngọt ngọt, chua chua rất hấp dẫn. Đây là loại trái cây tuổi thơ của nhiều người, đặc biệt là ở miền Tây.

Cây keo ù nổi tiếng tại các tỉnh miền Tây nước ta

Công dụng của cây keo

Hiện nay cây Keo được trồng tại nhiều vùng rừng núi để giúp phủ xanh đất trống đồi trọc, chống xói mòn,... Ngoài ra, cây còn mang lại nhiều công dụng rất tuyệt vời trong y học, xây dựng, công nghiệp chế biến gỗ, phát triển kinh tế,...

  • Trong y học: Các bộ phận lá, thân, vỏ của cây keo chứa một số ancaloit có tác dụng lên dây thần kinh, gây ảo giác. Do đó, hoạt chất ancaloit được ứng dụng trong y học để giúp an thần, giảm đau cho người bệnh. Ngoài ra, hạt của cây keo dậu có thể được dùng để ăn sống, giúp giảm giun, ổn định tiêu hóa.
  • Trong xây dựng: Gỗ keo sau khi xẻ có thể được sử dụng để làm pallet, cốp pha,... Loại gỗ này bền bỉ, dẻo dai nên giúp mang lại chất lượng tốt nhất cho các công trình.
  • Trong công nghiệp chế biến gỗ: Gỗ keo có thể được dùng trong chế biến, sản xuất giấy, thi công nội thất,...
  • Phát triển kinh tế: Với các hộ nông dân có đất rừng núi và muốn phủ xanh đất thì cây keo là lựa chọn rất tốt. Cây dễ trồng, dễ chăm sóc, sinh trưởng tốt, chất lượng gỗ tốt, dễ bán nên mang lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân.
Sản xuất đồ gỗ nội thất từ gỗ Keo
Sản xuất đồ gỗ nội thất từ gỗ Keo

Gỗ keo có tốt không?

Gỗ keo là loại gỗ được sử dụng phổ biến tại nước ta. Bên cạnh các ưu điểm như đa dạng mẫu mã, chất lượng, giá thành phù hợp, gỗ keo cũng tồn tại một số nhược điểm mà bạn cần lưu ý.

Ưu điểm của gỗ keo

Gỗ keo có một số ưu điểm bao gồm:

  • Gỗ keo có thể được sử dụng để sản xuất thành nhiều sản phẩm đa dạng mẫu mã, chủng loại.
  • Tính ứng dụng cao như: làm cột chống, dầm nhà, dựng lán trại, làm cốp pha, làm kệ để hàng hóa,...
  • Bền bỉ: Sau khi được gia công, gỗ keo có thể chống chịu mối mọt, công vênh rất tốt.
  • Giá thành rẻ: So với các loại gỗ khác, gỗ keo có giá thành khá rẻ, phù hợp với túi tiền của nhiều người tiêu dùng.

Nhược điểm của gỗ keo

Bên cạnh các ưu điểm trên, gỗ keo cũng có một số nhược điểm nhất định như:

  • Khả năng chịu lực của gỗ keo không quá tốt.
  • Màu sắc gỗ keo tự nhiên không thu hút.
  • Gỗ keo không qua xử lý dễ bị mối mọt.

Do đó, bạn chỉ nên sử dụng gỗ keo tại các không gian khô ráo, không ẩm thấp, không cần chịu lực cao.

Khai thác và thu hoạch Gỗ keo lai
Khai thác và thu hoạch Gỗ keo lai

Giá trị kinh tế cây keo

Cây keo được trồng với quy mô lớn có thể giúp phủ xanh đất trống đồi trọc, chống xói mòn đất, cải tạo vườn rừng, ngăn bụi bặm,... Hiện nay, giá gỗ keo dao động từ 496.000 VNĐ - 7.000.000 VNĐ trên một m3 tùy thuộc vào tuổi của cây.

Trong khi đó, cây keo là cây sinh trưởng nhanh chóng, nhanh cho thu hoạch. Chỉ sau 3 - 5 năm, cây có thể cho thu hoạch với giá từ 496.000 VNĐ – 525.000 VNĐ/ 1m3. Tuy nhiên, cây càng lâu năm, giá bán sẽ càng cao.

Nhờ mô hình trồng cây keo với mục đích lấy gỗ, hiện nay nhiều gia đình đã thoát nghèo, phát triển kinh tế, ăn nên làm ra và có của ăn của để.

Ngoài ra, như đã thông tin ở trên, gỗ keo cũng là nguyên liệu cho nhiều ngành sản xuất như chế biến giấy, làm pallet, làm cốp pha xây dựng, thi công nội thất,... Do đó, giá trị kinh tế của gỗ keo là rất lớn và không thể phủ nhận.

Cách trồng và chăm sóc cây keo

Cây keo khá dễ trồng và chăm sóc. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý một số thông tin mà Khu Vườn Xanh hướng dẫn dưới đây để cây sinh trưởng tốt nhất nhé!

Cách trồng cây keo

Hiện nay mô hình trồng cây keo lấy gỗ đang rất phổ biến, ngoài yếu tố con giống, bạn cần lưu ý một số kỹ thuật trồng keo theo tiêu chuẩn khoa học khuyến nông như sau:

  • Chọn giống: Bạn có thể ươm giống keo từ hạt hoặc giâm hom. Tuy nhiên, để tiết kiệm thời gian và công sức, bạn nên mua cây giống tại các trại giống. Ki chọn giống cây, bạn nên chọn cây giống khoảng 3 tháng tuổi, cao từ 20 - 25cm, khỏe mạnh, không sâu bệnh.
  • Thời vụ trồng: Bạn nên trồng keo vào mùa xuân và mùa thu để đảm bảo cây sinh trưởng tốt nhất.
  • Mật độ trồng: Nên trồng các cây keo cách nhau 3 x 3m, tương đương 1100 cây/ha để cây có đủ không gian phát triển.
  • Chuẩn bị đất: Trước khi trồng keo, bạn cần dọn sạch cỏ trên đất và đốt hết cỏ để tránh cỏ hút hết chất dinh dưỡng của cây keo. Sau đó, đào hố với kích thước 40cm x 40cm x 40cm rồi bón lót 3kg phân chuồng hoai mục + 200g NPK mỗi hố trước khi trồng cây khoảng 15 ngày.
  • Kỹ thuật trồng: Xé rách bao nilon ở bầu cây, đặt cây keo giống thẳng giữa hố và lấp đất kín cổ rễ. Sau đó, tưới nước thật đẫm cho cây để cây nhanh bén rễ.

Cách chăm sóc cây keo

Là một trong số các loại cây lấy gỗ nhanh trong vòng 10 năm. Do đó trong 3 năm đầu sau khi trồng cây keo, bạn cần chăm sóc cây cẩn thận và cần lưu ý một số điều sau:

  • Năm đầu: Sau khi trồng keo từ 1 - 2 tháng, bạn cần phát dọn thực bì (thảm thực vật trên mặt đất), cắt dây leo và vun xới đất xung quanh gốc cây. Lặp lại các việc trên sau khi trồng keo được 10 - 11 tháng.
  • Năm thứ 2: Bạn chia thành 3 lần chăm sóc. Lần đầu là tháng thứ 3 - 4 của năm thứ 2, bạn dọn thực bì, vun xới gốc và bón thúc 200g NPK/gốc. lần thứ 2 là khoảng tháng 7 - 8, bạn dọn thực bì, vun xới gốc và tỉa cành dưới 1m. Lần thứ 3 là tháng 10 - 11, bạn cần cắt dây leo, dọn thực bì quanh gốc cây.
  • Năm thứ 3: Bạn chia thành 2 lần chăm sóc. Lần thứ nhất là vào tháng 3 - 4, bạn dọn thực bì, tỉa cành cao từ 1.5 - 2m, bón thúc mỗi gốc 200g NPK, làm cỏ quanh gốc cây. Lần thứ 2 vào tháng 7 - 8 với các công việc là làm cỏ quanh gốc, chặt cây sâu hỏng,...
  • Phòng trừ bệnh hại: Bạn có thể phun thuốc hóa học để phòng trừ sâu đục thân,...
  • Bảo vệ rừng: Bạn nên làm băng cản lửa rộng 8 - 10m trước mùa khô hoặc dọn sạch thực bì để phòng cháy rừng. Ngoài ra, cần có một số biện pháp để phòng trâu bò phá hại.
  • Khai thác và chế biến: Sau khi trồng keo được 5 năm, bạn có thể khai thác và bán gỗ keo. Tùy vào mục đích sử dụng, bạn có thể bán bớt hoặc tỉa thưa cây để tạo điều kiện cho các cây khác phát triển.

Cây keo sau khi trồng 3 - 5 năm là có thể bắt đầu cho khai thác

Cây keo giá bao nhiêu và mua ở đâu?

Hiện nay, cây keo giống có giá khá rẻ, chỉ từ 2000 VNĐ - 15.000 VNĐ/cây tùy vào số lượng mua. Mua càng nhiều, giá thành/cây càng rẻ. Để mua cây keo giống, bạn có thể đến các vườn ươm, trại cây giống trên toàn quốc để xem chất lượng cây và đàm phán về giá.

Đối với gỗ keo, giá dao động từ 496.000 VNĐ - 7.000.000 VNĐ/m3 gỗ tùy vào số tuổi của cây. Để mua gỗ keo, bạn có thể đến các công ty sản xuất, phân phối gỗ để đặt yêu cầu và nhờ tư vấn.

Như vậy, Khu Vườn Xanh đã cung cấp cho bạn một số thông tin về đặc điểm, phân loại, ứng dụng cũng như cách trồng và chăm sóc cây Keo chi tiết. Nếu còn thắc mắc cần được tư vấn thêm, bạn hãy để lại SĐT hoặc câu hỏi phía dưới bài viết, đội ngũ của chúng tôi sẽ giải đáp cho bạn sớm nhất nhé!

Chia sẻ
(5/5, 1 vote)
Hà Nguyễn

Hà Nguyễn

Tác giả