Cây cóc là loại cây vô cùng quen thuộc tại Việt Nam. Loại quả tròn như quả trứng với vị chua thanh được sử dụng để sáng tạo ra nhiều món ăn vặt được nhiều người mê mẩn. Đây cũng là loại cây dễ trồng, có thể ra quả chỉ sau vài tháng chăm sóc đúng kỹ thuật. Nếu bạn đang tìm hiểu về loại cây này thì đừng bỏ lỡ thông tin trong bài viết sau của Khu Vườn Xanh nhé!
Đặc điểm của cây cóc
Cây cóc hay cóc miền Nam có tên tiếng Anh là Ambarella, tên khoa học là Spondias mombin L. Loại cây này có nguồn gốc từ Trung Mỹ, được trồng phổ biến tại nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Cây cóc có đặc điểm khá dễ nhận biết và thu hút. Đứng từ xa, bạn có thể thấy cây dù khẳng khiu, không có lá nhưng quả sai trĩu, buông xuống rất lạ mắt.
- Thân cây cóc: Cây cóc thân gỗ lớn, phát triển nhanh, có thể cao đến 18m khi trưởng thành. Cây thẳng, phân thành nhiều cành, nhánh nhưng giòn, dễ gãy.
- Lá cây cóc: Lá cóc dạng lá kép với chiều dài từ 20 - 60cm, màu xanh. Mỗi lá lại có 7 - 12 đôi lá chét, thuôn tròn, nhọn 2 đầu, mép lá răng cưa.
- Hoa cóc: Hoa mọc thành chùm to, mỗi chùm có nhiều bông hoa nhỏ màu trắng li ti.
- Quả cóc: Quả có hình trứng hoặc bầu dục, da mịn, màu xanh khi còn non, chuyển vàng khi già. Thịt cóc có màu trắng khi non, chuyển vàng khi đã già, vị chua nhẹ khi còn non, bao tử, khi chín chua thanh. Quả thường mọc thành chùm, mỗi chùm có hơn chục quả và buông xuống.
- Hạt cóc: Hạt cứng có nhiều xơ dạng gai.
Đặc điểm của cây cóc
Cây cóc có mấy loại?
Chi Cóc gồm 17 loại, trong đó có 10 loại có lá và quả ăn được. Cây cóc ở nước ta có 3 loại phổ biến bao gồm: cóc rừng, cóc ta và cóc Thái. Mỗi loại sẽ có các đặc điểm khác nhau, cụ thể:
Cóc chua Ấn Độ hay cóc rừng
Loài cây cóc này mang những đặc điểm chung như Khu Vườn Xanh đã cung cấp ở trên. Mùa hoa cóc rừng rơi vào tháng 4 - 5, mùa quả tháng 8 - 10, quả lớn hơn đầu ngón tay cái 1 chút. Cóc rừng phân bố chủ yếu tại Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Phước.
Cóc ta
Đây là loài cóc được trồng nhiều ở nước ta, cây thân gỗ lâu năm, lá xanh, tán rộng, quả hình trứng, dài từ 5 - 6cm. Khi non, quả cóc ta màu xanh và chuyển vàng khi chín. Thịt của quả cóc ta có vị chua thanh, rất phù hợp với tín đồ thích ăn chua.
Cóc Thái
Cây cóc Thái có chiều cao khá khiêm tốn nên thường được trồng làm cảnh, nhanh cho ra quả sau khi trồng, quả nhỏ hơn cóc ta nhưng mềm, vị chua ngọt. Đặc điểm, quả cóc Thái hạt lép hoặc không hạt nên được rất nhiều người ưa chuộng.
Tác dụng của cây cóc
Cây cóc được dùng để trồng lấy quả ăn, làm cảnh, chế biến thành nhiều món ăn ngon, hấp dẫn. Quả cóc dồi dào vitamin C, A, phốt pho, kali, protein, chất béo, sắt,... nên có rất nhiều tác dụng cho sức khỏe, bao gồm:
- Có tác dụng giảm ho, trị cảm cúm;
- Kiểm soát mức cholesterol;
- Giúp cải thiện thị lực;
- Tăng cường sự dẻo dai và sức chịu đựng cho cơ thể;
- Tăng cường hệ miễn dịch;
- Ngăn ngừa lão hóa sớm;
- Duy trì xương và răng khỏe mạnh;
- Hỗ trợ giảm cân hiệu quả;
- Tốt cho người tiểu đường;
- Hỗ trợ ngăn ngừa nguy cơ thiếu máu do thiếu sắt;
- Giúp làn da khỏe đẹp,...
Ngoài ra vỏ cây cóc làm thuốc chữa tiêu chảy. Do đó, bạn đừng ngần ngại ăn cóc để mang lại những lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe nhé!
Cây cóc có ý nghĩa gì?
Bên cạnh những tác dụng tuyệt vời với sức khỏe như đã kể trên, cây cóc còn được trồng để làm cảnh giúp cảnh quan thêm đẹp hơn, xanh hơn. Ngoài ra, loài cây này có có ý nghĩa rất tốt trong phong thủy, mang lại may mắn, tài lộc cho gia chủ. Do đó, bạn có thể trồng cây cóc tại sân thượng, ban công, trước sân nhà,… hoặc bất cứ đâu trong nhà, chỉ cần đủ ánh sáng để cây sinh trưởng, phát triển tốt.
Cây cóc trồng bao lâu có trái?
Cây cóc ta trồng từ 15 - 18 tháng sẽ ra trái. Còn cây cóc Thái ra trái nhanh hơn, chỉ sau 3 - 5 tháng trồng. Tuy nhiên, tùy vào kích thước và độ tuổi của cây giống mà thời gian ra trái có thể xê dịch một chút so với mốc trên.
Quả cóc làm món gì ngon?
Quả cóc được dùng chủ yếu để ăn chơi, làm các món ăn vặt khiến nhiều người mê mẩn. Bạn có thể ăn cóc chấm muối hoặc sáng tạo thành số món ăn sau:
Cóc lắc
Bạn có thể làm cóc lắc với các nguyên liệu như cóc non, đường, nước mắm, muối tôm, bột ớt để thưởng thức. Vị chua chua, ngọt ngọt, mặn mặn kết hợp với miếng cóc non giòn giòn thực sự khiến nhiều người nhớ mãi và “nghiện” luôn.
Nước ép cóc
Nước ép cóc là thức uống vừa giúp giải nhiệt vừa mang lại những lợi ích rất tốt cho sức khỏe. Kết hợp pha thêm chút đường trắng cho bớt chua, gia tăng hương vị
Cóc ngâm chua ngọt
Đây là món ăn dễ làm và rất dễ gây nghiện bởi vị chua, ngọt, cay hòa quyện. Món này thường được dùng để ăn vặt hoặc ăn kèm với các món ốc rất đưa miệng.
Nộm tai heo trộn cóc non
Đây là món ăn dễ làm, vị chua của cóc kết hợp với vị thơm ngon của các loại gia vị cùng sự dai, giòn sần sật của tai heo khiến nhiều người chảy nước miếng.
Gỏi cóc
Bạn có thể trộn cóc tươi thái lát với các nguyên liệu như: khô bò, tôm khô, ruốc, lạc, rau răm để ăn chơi hoặc ăn kèm các món nhậu cũng rất hấp dẫn.
Ô mai cóc
Ô mai cóc cũng là món ăn ngon, giúp bổ sung vitamin C, chống cảm lạnh hiệu quả. Đây cũng là món dễ làm, bạn có thể thử làm để cả nhà cùng thưởng thức nhé!
Quả cóc chứa bao nhiêu calo? ăn nhiều có tốt không?
Quả cóc có lượng calo rất thấp, trong 100g cóc chỉ chứa 42 kcal, thấp hơn rất nhiều so với táo, cam và nhiều loại trái cây khác. Nếu tính theo từng quả cỡ vừa phải, mỗi quả sẽ có 15 - 20 kcal khi chín.
Tuy rất giàu chất dinh dưỡng, có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe nhưng bạn không nên ăn nhiều quả cóc, chỉ nên ăn khoảng 100 - 250g/ngày. Ngoài ra, bạn cần lưu ý một số điều sau:
- Không ăn cóc, uống nước cóc khi bụng đói, bởi vị chua của cóc sẽ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa.
- Không ăn quả cóc thay bữa chính.
- Bạn có thể ăn cóc trước hoặc sau bữa chính 30 phút để mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Trồng cây cóc trước nhà có tốt không?
Trồng cây cóc trước nhà rất tốt, vừa mang lại may mắn, tài lộc cho gia chủ, vừa giúp trang trí cảnh quan thêm xanh hơn, đẹp hơn. Tuy nhiên, bạn nên trồng loại cóc Thái với kích thước nhỏ để tránh cây quá rậm rạp, che mất ánh sáng trước nhà. Ngoài ra, bạn nên trồng chếch về một bên và cẩn thận khi chăm sóc, không để cây bị chết nhé!
Cách trồng và chăm sóc cây Cóc
Cây cóc ta, cóc Thái rất dễ trồng, dễ chăm sóc và cho quả quanh năm nếu bạn áp dụng đúng các kỹ thuật mà Khu Vườn Xanh hướng dẫn dưới đây.
Cách trồng cây cóc
- Chọn giống: Bạn có thể trồng cây cóc bằng hạt nhưng tốt nhất, bạn nên đến các vườn ươm để chọn cây giống chiết cành hoặc ghép cành để cây mau ra quả.
- Thời vụ trồng: Bạn có thể trồng cây cóc quanh năm nhưng nên trồng vào đầu mùa mưa (miền Nam) hoặc vào mùa xuân, mùa thu ở miền Bắc để cây dễ bén rễ và sinh trưởng tốt.
- Mật độ trồng: Bạn nên trồng cây cóc với mật độ 9 - 15m/cây.
- Đất trồng: Cây cóc không kén đất nhưng bạn nên chọn đất giàu dinh dưỡng, tơi xốp và thoát nước tốt. Nếu trồng trong chậu, bạn nên chọn đất màu mỡ, thoát nước tốt để cây không bị úng.
- Chọn chậu trồng: Cây cóc Thái rất phù hợp trồng trong chậu, bạn nên chọn chậu có kích thước miệng chậu từ 35 - 40cm, cao từ 30 - 50cm cây dễ sinh trưởng.
- Đào hố trồng: Bạn nên đào hố kích thước khoảng 50 x 50 x 50cm, sau đó bón lót phân chuồng hoai mục, lân, vôi bột. Tiếp theo, bạn trộn đều phân với lớp đất mặt rồi lấp đầy hố. Việc này nên được thực hiện trước khoảng 10 - 15 ngày trước khi trồng cây.
- Cách trồng cây: Bạn dùng dao rạch bỏ lớp bầu ni lông, sau đó, đặt nhẹ nhàng cây vào hố/giữa chậu rồi lấp đất kín cổ rễ, nén chặt đất xung quanh. Sau đó, tưới đẫm nước để cây nhanh bén rễ và phát triển.
Cách chăm sóc cây cóc
- Tưới nước: Bạn cần tưới nhiều nước cho cây, nhất là thời điểm mới trồng, khi quả đang lớn và khi quả sắp chín. Nên tưới nước vào buổi sáng khi trời mát mẻ nhé!
- Làm cỏ: Bạn nên làm sạch cỏ xung quanh gốc cây 2 lần/năm kết hợp xới gốc để đất tơi xốp.
- Cắt tỉa, tạo hình: Khi trồng cóc Thái, bạn nên cắt ngọn thường xuyên để cây phát triển nhánh nhỏ và ra nhiều quả hơn. Đối với cây cóc ta, bạn có thể tỉa cành sâu bệnh, cành khô héo để cây tập trung lớn nhanh hơn.
- Bón phân: Hàng năm, bạn nên bón phân 2 lần để cây đủ dưỡng chất phát triển. Thời điểm bón phân tốt nhất là đầu và cuối mùa mưa.
- Phòng trừ sâu bệnh hại: Cây cóc có thể bị bệnh thán thư, bệnh phấn trắng, muội đen, cháy lá, sâu đục thân, đục cành, bệnh rầy xanh hoặc ruồi đục quả. Bạn nên chú ý để phát hiện và tiêu diệt sâu, bệnh sớm để tránh ảnh hưởng đến quá trình phát triển, thụ phấn, đậu quả của cây.
- Thu hoạch: Đối với cây cóc Thái, bạn có thể thu hoạch bằng tay hoặc dùng kéo, dao để cắt cành. Sau khi hái hết quả, bạn nên dùng dao hoặc kéo để cắt hết chùm quả, tỉa bớt nhánh cây để dễ phát triển hơn. Đối với cây cóc ta to, cao, bạn có thể dùng cây xào để thu hoạch.
Cách khắc phục cây cóc không ra hoa, trái
Cây cóc rất dễ ra hoa và đậu quả nhưng nếu bạn chọn giống kém chất lượng, trồng cây trên đất xấu hoặc không bón phân cho cây đầy đủ thì cây sẽ sinh trưởng kém, không thể ra hoa, kết trái. Đôi khi, bón quá nhiều đạm cho cây cũng là nguyên nhân khiến cây không ra hoa, đậu quả được.
Để khắc phục tình trạng cóc không ra trái, bạn xử lý như sau:
- Nếu cây thiếu chất dinh dưỡng, bạn nên bón phân cho cây với liều lượng từ 15 - 20kg phân chuồng/gốc. Bạn nên đào rãnh xung quanh gốc, cách gốc 40cm, bón phân rồi lấp kín đất. Sau khoảng nửa năm, cây sẽ ra hoa, đậu quả.
- Nếu cây thừa đạm thì bạn nên hạn chế bón phân và tiến hành khoanh 80% cành cấp 1. Cách khoanh như sau: Bạn dùng dao sắc khoanh 2 khoanh, mỗi khoanh cách nhau 5mm, khoanh đến khi chạm vào phần gỗ là được. Những cành bị khoanh sẽ ra chồi hoa mới và đậu quả.
Cây cóc giống giá bao nhiêu?
Cây cóc ta, cóc Thái giống có giá dao động từ 50.000 - 200.000 VNĐ/cây tùy kích thước và độ tuổi của cây. Để biết giá chính xác, bạn nên đến các cửa hàng cây giống, vườn ươm để chọn cây phù hợp và được tư vấn chi tiết nhé!
Mua cây cóc giống ở đâu?
Để mua cây cóc giống, bạn nên đến các vườn ươm, trung tâm cây giống trên toàn quốc. Ngoài ra, bạn cũng có thể mua online tại các trang web, sàn thương mại điện tử hoặc trên các mạng xã hội. Tuy nhiên, bạn cần lựa chọn địa chỉ uy tín để đảm bảo chất lượng cây giống.
Như vậy, Khu Vườn Xanh đã cung cấp cho bạn chi tiết các thông tin về cây cóc - loài cây dễ trồng, dễ chăm sóc mà bạn không thể bỏ qua. Để biết thêm thông tin về các loài cây khác, bạn hãy ghé thăm Khu Vườn Xanh mỗi ngày nhé!