Chóc máu là loài cây hẳn là còn khá xa lạ với nhiều người bởi có thể đây là lần đầu tiên bạn nghe thấy và chúng cũng ít khi xuất hiện bên ngoài. Đây là một loài cây khá độc đáo được nhiều nhà khoa học nghiên cứu và điều trị bệnh ung thư. Vậy loài cây này có điểm gì đặc biệt, tác dụng của chúng ra sao, hãy cùng Khu Vườn Xanh tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
Đặc điểm của cây Chóc máu
Cây Chóc máu còn được gọi với các tên khác như: chóp máu, chóc máu tàu, chóc máu Trung Quốc, chóp mào, chóp mao. Đây là một giống cây có nguồn gốc từ các nước Đông Nam Á, có tên khoa học là Salacia chinensis, thuộc họ dây gối Celastraceae.
Đặc điểm hình thái
Chóc máu là giống cây thân bụi, chủ yếu mọc hoang ở vùng đồi núi nên hầu như bạn khó có thể nhìn thấy loại cây này bên ngoài, cách nhận biết loài cây này không quá khó nhờ những đặc điểm hình thái nổi bật sau:
- Phần thân: Là giống cây thân bụi cao 2,5 - 3m, có nhiều cành nhỏ có cạnh, nhẵn
- Phần lá: Lá mọc đối diện nhau, phiến lá dai, thon, dài 6 - 10 cm, rộng 3,5 - 5 cm, gân phụ 5 - 8 cặp, mép lá có răng nhỏ bao quanh.
- Phần hoa: Hoa chóc máu có kích thước khá nhỏ, mọc ra ở nách lá, chúng có mùi thơm nhẹ, phần cuống hoa dài 5 - 6 mm, cánh hoa vàng nhạt, cao 6 mm, đĩa mật to, nhị 3 và bầu 3 ngăn.
- Phần quả: Quả chóc máu nhìn khá mọng hình qủa lê nhỏ, sau tròn dần, quả còn non màu xanh, khi chín màu đen, cao 12 - 15 mm, chứa 1 - 3 hạt tùy theo quả.
Khu vực phân bố
Khu vực phân bố cây chóp máu hiện nay nằm chủ yếu ở các quốc gia: Ấn Độ, Mianma, Trung Quốc, Thái Lan, Malaixia, Indonexia, Philippin và Việt Nam. Ở nước ta xuất hiện loài cây này chủ yếu mọc hoang rải rác trong rừng thưa, thảm thực vật nhiệt đới các tỉnh từ các tỉnh phía Bắc đến các tỉnh phía Nam: Lạng Sơn, Quãng Ninh, Ninh Bình, Quãng Trị, Quãng Nam, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Đồng Nai, Kiên Giang, An Giang.
Mới đây nhất các nhà Thực vật học của Việt Nam đã phát hiện loài cây này có ở xã Vĩnh Lộc, xã Lộc Trị, huyện Phú Lộc và khu vực vùng đồi huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế.
Thành phần hóa học
Các nhà khoa học Nhật Bản đã có nghiên cứu chiết xuất thân cây Chóc máu tàu tìm ra 3 triterpen mới kiểu: friedelan la salason A, B và C; một triterpen mới kiểu norfriedelan là salaquinon A; và một sesquiterpen mới kiểu eudesman là salasol A. Ngoài ra, người ta còn tìm thấy 6 chất nữa là: 3 bêta, 22 betadihydroxyolean - 12 - en - 29 - oic axit, tingenone, tingenine B, regoel A, triptocalline A và mangiferin (Trích nguồn: J Nat Prod, 2003, 66 (9): 1191 - 1196)
Ở Việt Nam, hiện chưa thấy công trình nghiên cứu về cây Chóp máu được công bố. Tuy nhiên thông tin trong cuốn Tự điển cây thuốc viết “dùng rễ sắc uống chữa phong thấp, đau lưng, cơ thể suy nhược” (Võ Văn Chi, 1997, trang 236).
Tác dụng của cây Chóc máu
Thông tin cây Chóc máu chữa ung thư là thông tin được rất nhiều bạn đọc quan tâm. Thực tế theo tài liệu nghiên cứu của các nhà khoa học, thành phần trong cây có khả năng ức chế tế bào ung thư và nhiều công dụng khác chưa được kiểm nghiệm chính xác như:
- Chóp máu là loài dược thảo có khả năng hạn chế sự phát triển tế bào ung thư, do mới được phát hiện nên hầu như chưa có nhiều nghiên cứu về cây này mà chỉ được sử dụng chủ yếu trong dân gian
- Rễ chóp máu được dùng để chữa viêm khớp, phong thấp, đau lưng, mỏi bắp, cơ thể suy nhược.
- Theo các công trình nghiên cứu y học ở Nhật Bản, chiết xuất từ loài cây này chứa một hoạt chất có tác dụng điều trị bệnh tiểu đường.
- Ngoài ra mùi thơm của lá Chóp máu có chứa chất cumarin và thường được dùng để pha trà uống
Xét về yếu tố độ tin cậy, hiện nay chưa có tài liệu được công bố chính xác ở Việt Nam nên những thông tin trên mang tính tham khảo. Bởi vậy xét về tác dụng của cây cần được kiểm chứng, xác minh và đặc biệt cần kiểm tra độc tính trước khi sử dụng bởi các nhà khoa học uy tín.
Bài thuốc sử dụng
Theo thông tin cập nhật từ Bệnh viện Nguyễn Tri Phương có đưa thông tin về loài cây này cũng như các bài thuốc có tác dụng chữa phong thấp, viêm khớp, đau lưng, nhức mỏi gân cơ:
- Chuẩn bị: Rễ chóp máu kết hợp với rễ cây khuy áo nhẵn hay còn gọi là cây Cúc áo (Pittosporum glabratum Lindl.)
- Thực hiện: Mỗi vị 15 – 20g, sắc nước uống mỗi ngày, lưu ý dùng 1 lần và không để qua đêm.
Lưu ý: Không dùng cho phụ nữ có thai hoặc dị ứng với thành phần của cây
Hình ảnh cây Chóc máu
Không để bạn phải đợi quá lâu vì không biết hình ảnh cây Chóc máu sẽ như thế nào. Dưới đây là một số ảnh thực tế loài cây này được chụp từ khu rừng rậm nhiệt đới vùng đồi huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Trên đây là những thông tin cơ bản về cây Chóc máu và những thông tin nghiên cứu loài cây này, mà chúng tôi muốn chia sẻ cùng bạn. Hi vọng rằng những thông tin này sẽ có ích với bạn trong quá trình tìm hiểu về các loài cây thuốc, cây dược liệu của Việt Nam. Đừng quên nhấn Like, Share và truy cập Khu Vườn Xanh mỗi ngày để cập nhật thêm thông tin, kiến thức về các loài hoa, cây cảnh khác bạn nhé.