Danh mục Menu

Sâu đục thân và Các loại Thuốc đặc trị Sâu đục thân hiệu quả nhất

Sâu đục thân hay sâu đục cành, là côn trùng sống ký sinh ở trên các cành cây, thân cây. Những loại sâu này là nguyên nhân chính gây tổn hại cho cây ăn trái, cây lương thực và cây công nghiệp. Vậy dấu hiệu phát hiện Sâu đục thân là gì? Dùng loại thuốc nào để trị chúng. Tất cả sẽ được giải đáp qua bài viết dưới đây của Khu Vườn Xanh.

Đặc điểm hình thái Sâu đục thân

Sâu đục thân được biết là loài côn trùng tấn công, gây hại cho nhiều giống cây trồng. Sâu đục thân có tên khoa học là Ostrinia nubilalis( ngoài ra còn được gọi là Ostrinia furnacalis), họ Ngài sáng( Pyralidae), bộ Cánh vảy( Lepidoptera). Để các bạn có thể phân biệt loài sâu này với những con côn trùng khác.

Sau đây là mô tả chi tiết về đặc điểm hình thái của Sâu đục thân:

  • Giới tính: Con trưởng thành( Bướm) có hai loại đó là bướm đực và bướm cái. Thời gian hoạt động chủ yếu vào ban đêm.
    • Bướm đực: Thân dài từ 12 - 15mm, cánh rộng 22 - 30mm. Cánh bướm đực có màu vàng tươi đến màu vàng nhạt, chiều ngang cánh có hai sọc gãy khúc, màu sắc hơi nâu đậm.
    • Bướm cái: Chiều dài thân bướm cái dài từ 13 - 17mm, chiều rộng của cánh dài 25 - 30mm. Màu cánh có màu vàng nhạt hơn với con đực. 
  • Trứng: Một con bướm cái trưởng thành có thể sinh sản được từ 10 đến 200 trứng. Những quả trứng hình bầu dục dẹp được xếp chồng lên nhau thành ổ giống như chiếc vảy cá. Trứng bướm mới đẻ màu trắng sữa, bề mặt trơn bóng, sau vài ngày, trứng xuất hiện chấm đen rõ dần lên. Quá trình ủ trứng diễn ra từ 4 đến 7 ngày. Dưới mặt lá là những ổ trứng tròn, dẹp hoặc có thể nhìn thấy ổ trứng được gắn chặt vào mặt trên của lá.
  • Ấu trùng: Vòng đời của ấu trùng có 6 tuổi, phát triển kéo dài từ 18 đến 41 ngày.
  • Nhộng: Con nhộng có màu nâu nhạt, chiều dài khoảng 15 - 19mm. Giai đoạn Nhộng kéo dài từ 5 đến 12 ngày. Nhộng con cái có kích thước lớn hơn nhộng của con đực.
  • Sâu non: Con non khi nở có màu hồng, đầu đen, lớn dần sẽ chuyển sang màu trắng sữa. Trên đốt bụng là 6 đốm đen tròn, giữa các đốm sẽ có một sợi lông dài mọc ra. 

Tên gọi khoa học của Sâu đục thân là Ostrinia furnacalis

Vòng đời của Sâu đục thân

Vòng đời trung bình Sâu đục thân kéo dài khoảng 43 - 66 ngày. Thời gian vũ hóa thường vào ban đêm, ban ngày chúng nấp dưới khóm lá gần mặt nước. Ngài cái đẻ trứng từ 2 - 6 đêm, thời điểm ngài đẻ trứng nhiều nhất là vào đêm thứ 2 và đêm thứ 3.

Mỗi Ngài có thể sinh sản từ 1 - 5 ổ trứng, số lượng của ổ trứng được thay đổi tùy theo lứa. Quá trình hình thành của sâu phụ thuộc vào nhiệt độ, môi trường, khí hậu.

  • 19 - 25°C: Trứng từ 8 - 13 ngày, con Nhộng: 12 - 16 ngày và Sâu non: 36 - 39 ngày. Thời gian bướm đẻ trứng: 3 ngày.
  • 26 - 30°C: Trứng khoảng: 7 ngày, con Nhộng: 8 - 10 ngày và Sâu non: 25 - 33 ngày. Thời gian bướm đẻ trứng: 3 ngày.
Vòng đời điển hình của Sâu đục thân bướm hai chấm
Vòng đời điển hình của Sâu đục thân bướm hai chấm

Dấu hiệu nhận biết Sâu đục thân

Để nhận biết được Sâu đục thân thì hơi khó, vì chúng thường ẩn nấp và phá hại từ ngay trong thân của cây. Thông thường, những cây bị sâu đục có lá vàng, héo, trên mỗi phiến lá xuất hiện hàng lỗ thủng đều nhau. Còn phần thân cây còi cọc, kém phát triển, thân cành héo rũ, quả nhỏ. Trường hợp nặng hơn là cây sẽ bị héo khô, ngừng phát triển. 

Ở thân cây có các đường đục hướng về vị trí gốc cây. Ở những vị trí xuất hiện những cái lỗ mới có phân sâu( mùn cưa) thải ra. Thân cây bị Sâu đục thân tấn công sẽ bị rỗng, dễ bị gãy khi bị những cơn gió mạnh thổi qua. 

Lưu ý: Nếu phát hiện Sâu đục thân ở giai đoạn đầu, bà con có thể dùng các phương pháp thủ công như tỉa cành, tạo tán, dùng bẫy đèn, quét vôi,..... Việc này vừa tiết kiệm chi phí lại vừa an toàn. Còn trường hợp cây bị Sâu đục thân nặng, bà con cần sử dụng các thuốc đặc trị Sâu đục thân.

Cây bị sâu đục thân phá hoại
Cây bị sâu đục thân phá hoại

Tác hại của Sâu đục thân đối với cây trồng

Sâu đục thân là yếu tố gây hại hàng đầu cho sự phát triển của cây trồng. Chúng đục thân, làm ảnh hưởng đến các bộ phận như cành, lá, hoa dẫn đến làm giảm năng suất, sản lượng thậm chí có thể làm chết cây, ảnh hưởng đến kinh tế của người trồng. Vì vậy, để bảo vệ cây trồng bà con cần hết sức chú ý, khi thấy cây có dấu hiệu bị sâu bệnh, lập tức dùng các biện pháp phòng trừ sâu bệnh để tiêu diệt sâu.

Thuốc đặc trị Sâu đục thân

Có rất nhiều biện pháp phòng trừ Sâu đục thân, nhưng lựa chọn được nhiều bà con sử dụng nhất là dùng các loại thuốc đặc trị để tiêu diệt Sâu đục thân. Sau đây, là những loại thuốc đặc trị Sâu đục thân đối với từng loại cây trồng bà con nên biết:

Thuốc trị Sâu đục thân cây Xoài

Cây Xoài là giống cây trồng khá dễ chăm sóc, phù hợp với điều kiện khí hậu Việt Nam. Tuy nhiên, đây là giống cây cũng dễ bị Sâu đục thân. Hiện nay, người ta thường trị Sâu đục thân ở cây xoài bằng thuốc hạt Basudin 10h, Furadan 3h, Regent 800WG,...

Cách sử dụng thuốc trị Sâu đục thân cây xoài:

  • Bước 1: Quan sát cây xoài nếu có dấu hiệu bị đỏ lá, khô, đột ngột héo, xung quanh thân có xuất hiện dịch mủ bị sậm màu.
  • Bước 2: Đối với cành bị nhẹ, bà con có thể nhét thuốc trừ sâu có dạng hột vào bên trong thân cây và đắp đất xung quanh vị trí nhét thuốc. Còn trường hợp cây nặng, bà con dùng dao lần theo những lằn đen sau đó tiến hành mở lớp vỏ cây bị sâu ăn( vỏ cây xù xì, mềm, có nhiều vết đen nổi u) và tìm vết đục của sâu. Dùng thuốc đặc trị được gói vào một lớp vải mỏng, sau đó nhét vào vị trí lỗ bị sâu đục. Cuối cùng trét đất kín miệng lỗ.

Ngoài ra, dùng thuốc bảo vệ thực vật như: Pyrinex 48EC, Polytrin - P440EC, Regent 5SC, Fenbis 25EC,... Phun vào lớp vỏ thân cây để diệt ấu trùng, phun định kỳ từ 10 -15 ngày/ lần trong 1 đợt trị.

Thuốc trị Sâu đục thân cây Mít

Khi phát hiện cây Mít có dấu hiệu bị Sâu đục thân, bà con có thể sử dụng thuốc chuyên trị Sâu đục thân cho cây Mít. Bà con cần chú ý quan sát cành, thân cây Mít. Nếu thấy có gỗ đùn ra như mùn cưa, đó chính là vị trí của Sâu đục thân. Lúc này bà con hãy tiến hành 2 cách sau:

  • Cách 1: Bà con ngoáy liên tục tăm xe đạp vào vị trí Sâu đục thân để làm chết sâu. Tuy nhiên bước này chỉ sử dụng được với trường hợp cây bị sâu đục dạng thẳng.
  • Cách 2: Đối với trường hợp Sâu đục thân ngoằn ngoèo, bà con nên sử dụng thuốc điều trị Sâu đục thân( Fipronil và Buprofezin). Sau đó, bà con sử dụng ống xi lanh để bơm thuốc vào vị trí lỗ đục và dùng xi măng hoặc đất bịt chặt ở bên ngoài lỗ sâu.

Thuốc trị Sâu đục thân cây ăn trái

Trường hợp cây không bị Sâu đục thân rất khó xảy ra. Từ cây hoa, cây lúa đến cây ăn trái đều không thể tránh được loại sâu này. Để diệt trừ sâu bọ sớm nhất, bà con nên thường xuyên thăm vườn, kiểm tra cây xem cây có dấu hiệu nào bị Sâu đục thân không( bà con nên lưu ý những ngày mưa nhiều, độ ẩm cao vì đó là thời điểm sâu phát triển mạnh). Nếu có, bà con hãy mua thuốc và tiến hành trị Sâu đục thân càng sớm càng tốt. 

Thuốc trị mọt đục cành Sầu riêng

Vấn đề bị mọt, đục ở cây Sầu riêng không phải là hiện tượng hiếm gặp, đây luôn là vấn đề nan giải của các nhà vườn. Thời điểm mọt đục cành xuất hiện thường vào mùa khô, nóng hay thời điểm chuyển giao thời tiết. Chúng thường tấn công ở thân chính, trên cành, cháng ba giữa cành,.....

Những vị trí bị mọt tấn công màu của vỏ cây sẫm lại( màu nâu đen) và xuất hiện những lỗ nhỏ xíu, mùn cưa màu trắng ngà đẩy ra ngoài. Những cành nặng có thể bị chết khô vì không nhận được chất dinh dưỡng và nước.

Một số hoạt chất chuyên trị mọt đục cành Sầu riêng: Chloryphos Ethyl, Cypermethrin,.... Bà con hãy dùng bông gòn đã tẩm thuốc và nhét vào vị trí thân cây bị sâu mọt. Sau đó là phun thuốc trừ sâu ở toàn bộ khu vườn.

Thuốc trị Sâu đục thân cây Đào

Sâu đục thân gây ảnh hưởng không hề nhỏ đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây Đào. Chính vì thế, bà con nên phát hiện sớm và phòng trừ sâu bệnh kịp thời. Dấu hiệu nhận biết cây đào bị Sâu đục thân đó là thân cây có nhiều nhựa màu nâu, có nhiều lỗ nhỏ, lá và cành bị héo vàng, cây bị thiếu sức sống. 

Hiện nay, người ta dùng hóa chất Pyrethrin - hóa chất hữu cơ tự nhiên làm thuốc trị Sâu đục thân cây đào. Đây là một loại thuốc diệt trừ sâu bọ rất hiệu quả, được nhiều bà con tin dùng. Khi phun thuốc, bà con không nên phun trực tiếp thuốc lên thân cây, các nhánh lớn, lá cây vì nó vừa gây lãng phí thuốc lại không mang hiệu quả.

Để sử dụng thuốc trị Sâu đục thân hiệu quả, bà con nên quan sát, căn đúng vị trí Sâu đục thân sinh sản và trừ sâu trực tiếp tại vị trí sâu bệnh.

Thuốc trị Sâu đục thân trên cây bắp

Cây bắp cũng là loại cây trồng dễ bị Sâu đục thân tấn công. Từ khi còn chồi non, đến khi ra trái hay thời điểm sắp thu hoạch đều bị Sâu đục thân tấn công. Việc này ảnh hưởng rất lớn đến năng suất cây trồng, làm cây bị còi cọc, yếu, cho hạt lép,..... Hiện nay, có 3 loại thuốc trị Sâu đục thân trên cây bắp được nhiều bà con sử dụng như: Thuốc Proclaim 1.9EC, Vibasu 10GR, và Diaphos 50EC.

Cách trị Sâu đục thân cây chanh, cây bưởi

Cách trị Sâu đục thân cây chanh, bưởi rất đơn giản. Đầu tiên, bà con quan sát vị trí thân cây nếu thấy xuất hiện mùn cưa, cằn cỗi, gãnh cành, khô héo thì nên sử dụng các phương pháp để trị Sâu đục thân. Trường hợp cây bị nhẹ thì bà con chỉ cần tỉa cành, tạo tán, dùng bẫy đèn, quét vôi, còn trường hợp cây bị Sâu đục thân nặng bà con nên thực hiện biện pháp trừ sâu.

Thuốc đặc trị Sâu đục thân lúa

Đối với bà con trồng lúa, Sâu đục thân luôn là nỗi lo ngại hàng đầu vào mỗi vụ mùa. Biện pháp tốt nhất cho bà con đó là sử dụng thuốc trừ sâu. Sau đây là tổng hợp những loại thuốc đặc trị Sâu đục thân lúa được sử dụng nhiều: Virtako 40WG, Regent 800WG, Padan 95SP, Dupont prevathon 5SC, Voliam targo 063SC, Babsac 750EC và Vibasu 10GR.

Thuốc trị Sâu đục thân cây Mai

Nếu bạn thấy thấy cây có dấu hiệu bị Sâu đục thân bạn hãy sử dụng thuốc trị sâu luôn. Bà con có thể sử dụng thuốc: Bini 58 40ND, Regent 800WG, Viphensa 50ND và Vibasudin 50ND để trị Sâu đục thân trên cây Mai. Bà con dùng ống xy lanh bơm thuốc vào vị trí bị sâu đục. Lưu ý sau khi bơm thuốc xong bà con nhớ nhét đất sét vào để tiêu diệt sâu non.

Thời điểm phun thuốc diệt Sâu đục thân

Thời điểm phun thuốc diệt sâu phù hợp nhất là khi sâu non đang ở trong giai đoạn từ 1 đến 2 tuổi. Càng phát hiện cây bị sâu bệnh sớm càng tốt vì đây là loại côn trùng rất khó điều trị, càng để lâu càng khó chữa. 

Bà con lưu ý là nên phun thuốc trừ sâu vào thời tiết khô ráo, mát mẻ( bà con không nên trừ sâu vào thời điểm giữa trưa, dễ bị say nắng, kiệt sức) nếu trường hợp phun thuốc sâu mà gặp trời mưa thì bà con phải phun thuốc lại.

Lưu ý khi sử dụng thuốc Sâu đục thân

Để sử dụng thuốc Sâu đục thân một cách hiệu quả bà con cần phải lưu ý một số nội dung dưới đây để đảm bảo an toàn cho người và gia súc đồng thời diệt trừ sâu đục thân hiệu quả

  • Chỉ được sử dụng thuốc nơi có xuất hiện sâu bệnh, nhiều bà con có suy nghĩ là dùng thuốc cả cây sẽ tốt nhưng điều này không đúng, gây lãng phí thuốc. 
  • Khi phát hiện ra sâu bệnh, cần sử dụng thuốc luôn vì loài sâu này tốc độ sinh trưởng và tàn phá cây trồng rất nhanh, nếu không được điều trị sớm cây rất dễ bị suy dinh dưỡng thậm chí là chết cây.
  • Không nên kết hợp thuốc với những thứ khác. Nhiều người sử dụng thuốc hay kết hợp cho thêm rượu, hoặc xà phòng vào để sâu chết nhanh hơn. Những phương pháp kết hợp này đều sai khoa học, không những thế còn làm giảm tác dụng của thuốc. Bởi xà phòng và rượu đều là bazơ khi kết hợp với thuốc sâu có tính axit sẽ gây ra kết tủa.
  • Thuốc trừ Sâu đục thân là một chất độc, bà con lưu ý cất ở những nơi kín đáo, cao, tránh xa tầm tay của trẻ em. Tuyệt đối không được uống, ngửi vì thuốc sẽ gây ra tác dụng rất xấu cho sức khỏe. Để bảo vệ môi trường, bà con hãy bỏ những vỏ đựng thuốc vào những khu vực được dùng để đựng vỏ, bao thuốc hóa học. Tuyệt đối không được vứt vỏ ở đường, trên mặt đất, ao, hồ,.....

Sâu đục thân là loài côn trùng gây hại cho cây trồng. Để tiêu diệt chúng sớm nhất, bà con nên thường xuyên quan sát cây trồng để đưa ra những giải pháp kịp thời. Nếu có bất cứ thắc mắc nào về vấn đề Sâu đục thân, bạn hãy để lại bình luận dưới bài viết. Đừng quên ghé thăm Khu Vườn Xanh thường xuyên để được cập nhập những thông tin hay, bổ ích về cách chăm sóc loài cây nhé!

Chia sẻ
(5/5, 2 votes)
Trần Linh

Trần Linh

Tác giả