Cây điều (còn được gọi là đào lộn hột) là một trong những cây trồng chủ lực, mang lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân các tỉnh phía Nam, đặc biệt là các tỉnh vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và một số tỉnh ở miền Tây. Nhưng để hạt điều có chất lượng cao, giá trị dinh dưỡng dồi dào, bà con cần nắm rõ cách trồng và chăm sóc cây điều, đồng thời có biện pháp phòng trừ các bệnh trên cây điều hiệu quả.
Cách trồng và chăm sóc cây điều
Để cây điều nhanh mang lại giá trị kinh tế, bà con cần có cách trồng và chăm sóc cây điều đúng kỹ thuật. Dưới đây là những kiến thức mà nhà nông cần lưu ý khi trồng điều.
Kỹ thuật trồng cây điều
- Chọn đất trồng phù hợp: Cây điều sinh trưởng tốt ở đất có tầng đất sâu, thoát nước tốt, mực nước ngầm lý tưởng là từ 3 - 6m.
- Ánh sáng: Cây điều ưa sáng hoàn toàn nên cần trồng đơn độc hoặc trồng với mật độ phù hợp để cây được cung cấp đầy đủ ánh sáng cho việc ra quả đầu cành.
- Lượng mưa: Điều kiện lượng mưa lý tưởng cho cây điều phát triển tốt là khoảng 1000 - 2000mm/năm. Do đó, nên ưu tiên vùng khí hậu mùa mưa và mùa khô rõ rệt, trong đó mùa khô sẽ rơi vào giai đoạn cây ra hoa, kết trái để không ảnh hưởng đến số lượng và chất lượng trái.
- Nhiệt độ: Cây điều phù hợp với nhiệt độ từ 24 - 28 độ C, không thích hợp với khu vực có nền nhiệt trung bình < 20 độ C hoặc xuất hiện sương giá.
- Thời vụ trồng: Bà con nên trồng điều vào đầu mùa mưa (từ đầu tháng 6 - giữa tháng 8) để đất mềm, cây dễ bén rễ và sinh trưởng tốt.
- Làm đất: Bà con nên loại bỏ toàn bộ cỏ dại, cày bừa, xới xáo đất để đất tơi xốp. Sau đó đào hố kích thước 50 x 50 x 50cm với mật độ phù hợp, bón lót xuống hố, phủ đất và phơi ải tối thiểu 1 tháng trước khi trồng cây.
- Cách chọn giống: Nên chọn giống điều có khả năng sinh trưởng khỏe, kháng sâu bệnh tốt, năng suất cao, số trái, số chùm lớn. Tốt nhất, bà con nên chọn giống điều ghép, đã được định danh và lưu hành.
- Mật độ trồng phù hợp: Thông thường, khoảng cách ban đầu được khuyến khích là 8 x 6m hoặc 10 x 5m, tương đương 200 cây/ha. Sau đó, bà con có thể tỉa thưa bớt để khoảng cách giữa các cây là 8 x 12m hoặc 10 x 10m, tương đương 100 - 120 cây/ha. Việc tỉa thưa bớt giúp cung cấp đủ không gian cần thiết để cây điều phát triển tốt.
- Cách trồng: Bà con đào hố nhỏ tại hố đã chuẩn bị trước đó, rạch loại bỏ bầu nilon sao cho không ảnh hưởng đến bầu đất và đặt vào giữa hố, lấp đất chặt xung quanh và tưới nước phù hợp.
Kỹ thuật chăm sóc cây điều
- Tưới nước: Dựa trên tình hình thực tế, bà con linh hoạt tưới nước phù hợp.
- Làm cỏ: Ở giai đoạn đầu khi cây điều chưa phát triển xanh tốt, bà con có thể trồng xen các loại cây họ đậu ngắn ngày để tận dụng đất, chú ý trồng cách gốc điều khoảng 1.5m và cây có độ cao vừa phải để tránh trùm lên cây điều. Bên cạnh đó, bà con chú ý làm cỏ, xới xáo gốc điều thường xuyên để tạo độ tơi xốp cho đất.
- Cắt tỉa: Khi cây điều cao khoảng 1m thì bà con cần hãm ngọn để nuôi 3 - 5 cành chính tỏa đều các hướng. Sau mỗi vụ thu hoạch, bà con cũng cần cắt bỏ những cành khô, cành sâu bệnh để đảm bảo độ thoáng cho cây “hít thở” và sinh trưởng tốt.
- Bón phân: Bà con cần bón lót, bón thúc trong từng giai đoạn phù hợp để cung cấp dinh dưỡng cho cây, đảm bảo các quá trình phát triển, ra hoa, kết trái thuận lợi.
Các bệnh thường gặp trên cây điều
Bên cạnh kỹ thuật trồng và chăm sóc cây điều, một điều quan trọng đó là bà con cần sớm nhận biết, có cách phòng trừ, tiêu diệt các loại sâu bệnh. Dưới đây là một số sâu bệnh phổ biến trên cây điều và cách phòng ngừa:
Bệnh thán thư
Bệnh thán thư gây hại chủ yếu trên chồi non, lá, quả và cành hoa điều với vết bệnh màu nâu. Cành bị bệnh sẽ bị khô héo rồi chết, hạt và quả non sẽ khô đen, sau đó rụng xuống.
Để phòng bệnh thán thư, bà con cần thường xuyên làm cỏ, phát quang bụi rậm và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguyên tố đồng cho cây đang ra lá non và oxyclorua đồng cho cây đã ra quả non.
Xem thêm: Thán thư là bệnh gì? Dấu hiệu nhận biết và cách phòng trừ hiệu quả
Điều trị bệnh thán thư trên cây điều(Youtube)
Bệnh lở cổ rễ ở cây điều con
Bệnh lở cổ rễ thường gặp ở cây non khi mới mọc cho đến khi 3 tuổi với triệu chứng là cây con bị héo lá, phần vỏ thân ở gần mặt đất bị thối, có màu đen, cây sẽ khô héo dần rồi chết.
Với bệnh này, bà con nên phòng bệnh hơn chữa bệnh: vườn ươm đảm bảo khô ráo, thoát nước tốt; ngâm giống trong nước từ 50 - 55 độ C; đất cho vào bầu cần xử lý bằng Formalin 8% rồi phủ bạt nilon che kín 10 ngày, sau đó mở bạt và trộn đều đất trước khi gieo.
Bọ xít muỗi
Bọ xít muỗi hút nhựa từ lá, chồi, cành và quả non, khiến lá, hoa và quả non bị thối khô, nhăn nheo, đốm nâu sau đó rụng đi.
Để phòng bệnh bọ xít muỗi, bà con cần phát quang bụi rậm, bón phân NPK cân đối, không bón quá nhiều đạm, tạo điều kiện cho thiên địch của bọ xít muỗi (ong ký sinh trứng, ấu trùng; kiến vàng, chim, nhện) sinh trưởng và phát triển,...
Bệnh nứt thân xì mủ
Bệnh gây các vết nâu đen xuất hiện trên chồi kèm với dịch trong suốt, sau nâu đậm tiết ra từ cây. Trên thân chính sẽ có các vết nứt dọc khiến nhựa chảy ra.
Để phòng và chữa bệnh, bà con có thể dùng chổi cọ phết thuốc diệt nấm vào vết thương của cây.
Bệnh khô cành
Đây còn được gọi là bệnh nấm hồng, xảy ra vào mùa mưa do độ ẩm cao. Vỏ cây điều sẽ xuất hiện các đốm màu trắng rồi chuyển sang hồng, lá cây điều sẽ bị vàng rồi rụng dần, cành bị khô.
Bà con cần phát quang bụi rậm, làm cỏ thường xuyên và phun thuốc bảo vệ thực vật ở gốc điều 2 - 3 lần vào đầu và giữa mùa mưa.
Bệnh đốm lá
Bệnh thường gặp ở cây con thiếu dinh dưỡng, ít phát triển, khiến lá non xuất hiện các chấm xanh sẫm, lan rộng thành các vết nâu, đen.
Để phòng bệnh, bà con nên xây vườn ươm ở nơi khô ráo, dễ thoát nước.
Bọ phấn đầu dài
Bọ phấn đầu dài dùng vòi miệng đục lỗ vào mô chồi non, khiến lá non bị héo và rụng đi, chồi teo lại và không phát triển được nữa, tạo điều kiện cho thiên địch của bọ phấn đầu dài (kiến vàng và ong ký sinh) phát triển.
Bệnh bọ trĩ
Bọ trĩ chích hút nhựa của cành, lá non, hoa và quả non, khiến các bộ phận này biến dạng, nâu đen, khô dần và rụng đi. Để phòng bọ trĩ, bà con cần vệ sinh vườn sạch sẽ, thông thoáng, bẫy đèn để bắt bọ trĩ,...
Xén tóc nâu nhỏ đục thân
Xén tóc nâu đỏ là loại sâu đục thân và rễ nguy hiểm, có thể làm cây điều bị chết.
Bà con phòng bệnh này bằng cách: phát triển một số thiên địch như kiến, ong ký sinh và bọ cánh cứng, tỉa bỏ cành bị hại, nếu cây bị nặng có thể đốn bỏ cây để tránh lây lan.
Xén tóc nâu nhỏ đục cành
Chúng đẻ trứng vào các cành nhỏ, các cành quả đã thu hoạch, ấu trùng nở sẽ đục vào lõi giữa của cành, khiến cành gãy, chết khô.
Bà con có thể dùng bẫy đèn, bơm thuốc đặc trị vào lỗ đục, bịt đất để tiêu diệt sâu non.
Sâu đục trái và hạt
Con trưởng thành sẽ đẻ trứng vào những trái điều khoảng 15 - 20 ngày tuổi, sau đó, sâu non nở ra sẽ ăn phần thịt của trái hoặc hạt non, khi trái khô, sau di chuyển sang trái khác.
Để phòng sâu đục trái, bà con có thể phát triển thiên địch là kiến vàng, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật,...
Sâu róm đỏ ăn lá
Sâu róm đỏ ăn lá thường sống thành bầy. Sâu trưởng thành sẽ ăn trụi lá, trơ lại gân lá, cây có thể suy kiệt và khô héo, chết cành. Để phát hiện sâu róm đỏ, bà con cần thường xuyên thăm vườn, ngắt bỏ lá có ổ sâu non, sử dụng bẫy đèn để bắt sâu róm đỏ.
Hy vọng với những thông tin về cách trồng, chăm sóc cây Điều cùng các loại bệnh trên cây điều ở trên đã giúp bà con có thêm những kiến thức cần thiết để giúp cây phát triển tốt, đơm hoa kết trái đạt chất lượng. Nếu còn thắc mắc, bà con có thể để lại bình luận phía dưới để chuyên gia của Khu Vườn Xanh tư vấn nhé!