Danh mục Menu

Cây hoa Phượng vĩ: Đặc điểm, Phân loại, Tác dụng và Ý nghĩa

Trong văn hóa của người Việt, cây Phượng vĩ có lẽ là một trong số ít những giống cây được hầu hết mọi người biết đến. Chúng không chỉ gắn liền với hình ảnh của một thời áo trắng tinh khôi mà còn mang nhiều ý nghĩa biểu tượng khác mà có thể bạn chưa biết. Trong bài viết dưới đây, Khu Vườn Xanh sẽ đem đến cho bạn đọc những thông tin chi tiết nhất lý giải về đặc điểm, phân loại, công dụng, ý nghĩa cũng như cách trồng của giống hoa này, cùng tham khảo ngay nhé.

Đặc điểm cây Phượng vĩ

Giống với hầu hết các loài cây khác, cây Phượng cũng bao gồm đặc điểm sinh thái và đặc điểm sinh trưởng. Tên khoa học của chúng là Delonix Regia, tại Việt Nam chúng được dùng phổ biến nhất với tên gọi là cây hoa phượng.

Cây phượng vĩ có tên khoa học là Delonix regia
Cây phượng vĩ có tên khoa học là Delonix regia

Nguồn gốc cây phượng ban đầu ở các khu vực rừng thuộc Madagascar – miền Đông Châu Phi, sau đó dần du nhập vào hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Đặc điểm hình thái

Bạn có thể dễ dàng nhận ra giống hoa này chỉ với một vài đặc điểm chính dưới đây:

  • Thân cây: Là giống cây thân gỗ, kích thước rất lớn nếu trồng ngoài tự nhiên, trung bình có thể đạt tới 10 – 15m, thậm chí có cây đạt 25m. Cây chia thành nhiều nhánh lớn, các nhánh lớn chia tiếp thành các cành nhỏ, tán lá rộng và dày.
  • Rễ: Phần rễ của cây phát triển rất tốt, thường nổi hẳn lên mặt đất hoặc ăn sâu xuống lòng đất. Rễ cây sần sùi, có màu nâu đen đậm, chúng đóng vai trò quan trọng giúp cây hút nước, chất dinh dưỡng và chống lại tình trạng khô hạn.
  • Tán lá: Lá phượng có hình lông chim kép, một cành lá có chiều dài khoảng 40 – 50cm, bao gồm nhiều lá nhỏ chụm lại. Tán lá rộng, khi còn non sẽ có màu xanh lá mạ sau đó dần chuyển sang đậm và cuối cùng là vàng và rụng xuống.
  • Hoa: Bông phượng là một trong những giống hoa được rất nhiều người biết tới từ thời học sinh. Hoa phượng thường mọc theo chùm có 5 cánh, các chùm dài từ 20 – 50cm, bao gồm nhiều bông, 4 cánh ngoài tỏa rộng, kích thước trung bình khoảng 8cm, cánh thứ 5 mọc thẳng. Hoa phượng có màu đỏ tươi, không lẫn với bất cứ giống hoa nào.
  • Quả: Sau khi hoa tàn có thể tạo thành quả, quả phượng có kích thước khá lớn, trung bình dao động trong khoảng 20 – 50cm. Bên ngoài có lớp vỏ xanh, cứng, phần hạt đen thuôn dài như hạt đậu. Bạn có thể sử dụng hạt để ăn, chúng có vị khá bùi, không đắng, chát.

Đặc điểm sinh trưởng

Phượng vĩ thích hợp nhất để trồng ở các khu vực khí hậu nhiệt đới, cận nhiệt. Chúng không quá kén đất hoặc cần chăm sóc đặc biệt, có thể sống ở vùng đất ngập mặn, khô hạn. Thời gian trung bình để cây ra hoa là khoảng 5 – 10 năm, hoa nở vào tháng 5 – 6. Tuổi thọ của giống cây này tương đối cao, nếu chăm sóc đúng cách có thể sống được 30 – 40 năm.

Mùa hoa Phượng vĩ

Không giống với nhiều loài hoa khác có thể nở quanh năm, hoa phượng chỉ nở vào một mùa duy nhất chính là mùa hè. Thời gian hoa nở có thể kéo dài từ tháng 4 đến tháng 6 tùy vào khu vực cũng như cách chăm sóc. Sau thời gian này hoa sẽ tàn và để lại quả, chính vì vậy chúng còn được coi là loài hoa báo hiệu mùa hè đến.

Người ta nhớ tới hoa phượng chủ yếu nhờ vào sắc màu rực rỡ cũng như ý nghĩa gắn liền với một thời cắp sách tới trường chứ không phải nhờ vào mùi hương. Trên thực tế, hoa phượng vỹ không có hương thơm nồng nàn, quyến rũ mà tương đối mờ nhạt, thỉnh thoảng sẽ có hương thơm thoang thoảng, khá khó nhận ra.

Phân loại giống cây Phượng

Khi nhắc tới hoa phượng, chắc chắn người ta sẽ nhớ ngay đến sắc đỏ tươi, rực rỡ của chúng tuy nhiên trên thực tế loài hoa này không chỉ sở hữu một màu sắc đơn lẻ. Ngoài màu đỏ chúng còn có vàng, đỏ và tím.

Hoa phượng đỏ

Phượng hoa đỏ là loài phổ biến nhất ở nước ta, chúng còn được gọi là hoa phượng vĩ. Cây được nhiều người yêu thích nhờ màu sắc rực rỡ, thân cây to tạo bóng mát hiệu quả đồng thời phần thân còn được tận dụng để làm các vật dụng bằng gỗ trong nhà. Hiện nay hoa phượng đỏ được trồng ở mọi khu vực trên cả nước do đó bạn có thể dễ dàng bắt gặp chúng tại bất cứ đâu.

Hoa Phượng đỏ gọi hè về
Hoa Phượng nở đỏ gọi hè về

Hoa phượng hồng

Phượng hồng còn được gọi là muồng hoa đào, chúng có nguồn gốc từ các nước Đông Nam Á. Tuy vậy tại Việt Nam giống hoa này chưa thực sự phổ biến, màu sắc của hoa khi nở có màu hồng phấn nhẹ nhàng, có nhiều lá, phần lá tương đối lớn và tỏa rộng. Bạn có thể tìm thấy giống hoa này ở khu vực Tây Nguyên nước ta.

Hoa Phượng hồng Đà lạt nở rực rỡ
Hoa Phượng hồng Đà lạt nở rực rỡ

Hoa phượng vàng

Phượng vàng được rất nhiều người ưa chuộng và săn đón hiện nay, giống cây này sở hữu đặc điểm tự nhiên không quá khác biệt so với phượng vĩ. Phần thân to, cao, tán lá xòe rộng, phần lá ít hơn một chút so với các giống phượng khác. Hoa phượng vàng có sắc vàng rực rỡ, tạo nên sự nổi bật và cuốn hút đối với người nhìn.

Hoa phượng vàng
Hoa phượng vàng

Hoa phượng tím

Hoa phượng tím là giống hoa không quá phổ biến ở nước ta, chúng khá quý hiếm và xuất hiện chủ yếu ở khu vực Nam Mỹ. Về phần thân, rễ, cành, hoa phượng tím sở hữu đặc điểm tương tự các giống phượng khác. Điểm khác biệt lớn nhất nằm ở phần hoa, ngoài sắc tím nổi bật hoa của chúng còn có hình dáng giống một chiếc chuông và tương đối mềm.

Vẻ đẹp hoa Phượng tím
Vẻ đẹp hoa Phượng tím

Phượng tím được trồng chủ yếu ở Đà Lạt, tạo nên điểm nhấn cảnh quan thu hút khách du lịch nổi tiếng mỗi khi khách có dịp đặt chân tới Đà Lạt.

Bên cạnh những giống phượng có kích thước lớn, được trồng để tạo bóng mát thì hiện nay phượng bonsai đã ngày càng trở nên phổ biến và được nhiều người ưa chuộng. Phượng bonsai là những chậu cây được uốn nắn, tạo dáng và cắt tỉa theo các thế đứng đẹp mắt. Thông thường, các chậu cây bonsai có kích thước không quá lớn, chỉ dao động từ 1 – 1,2m vì vậy rất thích hợp trồng ở sân vườn hoặc đặt ở khu vực tiểu cảnh.

Ý nghĩa của hoa Phượng

Hoa phượng mang nhiều ý nghĩa khác nhau trong cuộc sống cũng như văn hóa của từng quốc gia. Trong đó tại Việt Nam, giống cây này mang một số ý nghĩa biểu trưng chính bao gồm:

Trong phong thủy

Hoa phượng được coi là một loài hoa mang lại nhiều may mắn và tài lộc cho người trồng. Lý do chính bởi trong tiếng Hán, từ Phượng vĩ còn được coi là đuôi của chim phượng, một trong những loài động vật cao quý bậc nhất. Chính vì vậy nó có thể đem đến thành công và thịnh vượng, thể hiện sự phú quý của gia chủ.

Trong cuộc sống

Hoa phương là đại diện cho hình ảnh người học sinh, sinh viên trong văn hóa của người Việt Nam. Nhắc tới loài hoa này người ta sẽ nghĩ ngay tới hình ảnh một thời áo trắng cắp sách tới trường. Mỗi khi phượng nở cũng là dấu hiệu báo hiệu mùa hè sắp tới, đánh dấu thời điểm nghỉ hè, thi cử của học sinh.

Tác dụng của của cây Phượng

Với những đặc điểm nổi bật về hình thái của mình, cây phượng có 4 tác dụng chính bao gồm:

Tạo bóng mát

Nhờ phần thân có kích thước lớn cùng với cành lá rộng, cây phượng được lựa chọn trồng ở những nơi công cộng, công viên, đặc biệt là ở trường học với mục đích tạo cảnh quan và làm cây bóng mát. Chỉ cần đứng dưới tán cây, bạn sẽ cảm nhận được cảm giác mát mẻ vô cùng mà không phải giống cây nào cũng có thể làm được.

Trồng làm cảnh

Bên cạnh tạo bóng mát, phượng vỹ còn được trồng để làm cảnh khá nhiều. Với sắc hoa rực rỡ chắc chắn sẽ thu hút được sự chú ý của những người xung quanh. Người ta còn sử dụng các chậu cây bonsai để trong nhà, sân vườn nhằm tạo không gian cũng như trang trí cho khuôn viên thêm sinh động.

Làm đồ dùng

Phần thân gỗ phượng còn có tác dụng làm thành các loại đồ dùng trong nhà, điển hình như giường, tủ, bàn, ghế,... Hiện nay sử dụng gỗ phượng cũng được rất nhiều người yêu thích nhờ giá thành vừa phải, độ bền khá tốt, chất lượng cao.

Sử dụng trong Đông Y

Trong Y học cổ truyền, hoa phượng có thể sử dụng làm các bài thuốc giúp hạ nhiệt, sốt, giảm thiểu căng thẳng mệt mỏi cũng như tình trạng ợ hơi, ợ chua. Tuy nhiên nếu muốn sử dụng cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.

Cách trồng và chăm sóc cây Phượng vĩ

Cây phượng vĩ tương đối dễ trồng và chăm sóc, đặc biệt rất phù hợp với điều kiện khí hậu Việt Nam. Bạn có thể tham khảo một số phương pháp dưới đây giúp cây phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng ra hoa sau một thời gian ngắn.

  • Đất trồng: Cây có thể trồng ở mọi loại đất khác nhau, muốn cây phát triển nhanh, mạnh, hoa ra đều, đẹp bạn nên chọn đất có độ tơi xốp và thoáng khí. Trước khi trồng cần trộn thêm một vài loại phân chuồng hoặc xơ dừa, trấu hun để tăng cường dinh dưỡng. 
  • Phương pháp trồng: Bạn có thể trồng bằng hạt giống hoặc cây giống, đối với hạt cần tiến hành ngâm nước ấm sau đó ủ với khăn sạch. Khi hạt nứt vỏ có thể đem gieo xuống đất và lấp đất mỏng lên. Đối với trồng cây, sau khi mua bầu giống về, bạn tiến hành theo bỏ vỏ bầu, đặt cây vào hố đã đào sau đó lấp đất kín rễ. Thường xuyên tưới nước để duy trì độ ẩm.
  • Chế độ nước tưới: Trong giai đoạn mới trồng bạn cần tưới nước ít nhất 1 lần/ngày. Về sau khi cây dần ổn định có thể điều chỉnh lại tần suất phù hợp với điều kiện thời tiết, trung bình khoảng 2 – 3 lần/tuần là hợp lý nhất. Tránh trường hợp cây quá khô hoặc quá ẩm đều có thể ảnh hưởng tới quá trình sinh trưởng.
  • Chế độ phân bón: Bón phân định kỳ hàng tháng sẽ giúp cho cây có đủ dinh dưỡng. Một số loại phân thích hợp để bón cho cây bao gồm: phân chuồng, NPK hoặc các loại phân sinh học khác,... Bón vào gốc và tiến hành dọn cỏ quanh gốc để tránh cỏ hút hết chất dinh dưỡng.
  • Tỉa cành lá: Sau mỗi mùa hoa phượng nở, bạn có thể tiến hành tỉa bớt cành lá để giúp cây gọn hơn. Việc này cũng giúp kích thích mọc ra các chồi non giúp hoa ra sai hơn vào mùa vụ tiếp theo.

Cây phượng giá bao nhiêu và Mua ở đâu?

Cây phượng có nhiều mức giá khác nhau trên thị trường, chủ yếu liên quan đến giống cây. Trong đó có hai loại phổ biến nhất là hạt giống và cây giống, giá cả có thể chênh lệch đôi chút giữa các đơn vị cung cấp, trung bình dao động trong khoảng giá dưới đây:

  • Hạt giống cây phượng: Có mức giá trong khoảng từ 70.000 – 100.000 đồng/gói.
  • Cây phượng giống: Thường có mức giá trung bình từ 50.000 – 70.000 đồng/cây.

Bạn có thể mua cây phượng giống và hạt giống ở nhiều địa chỉ khác nhau, tuy nhiên để lựa chọn được giống chất lượng nhất, hãy tham khảo tại các cửa hàng cây giống hoặc vườn ươm uy tín. Ngoài ra nếu bạn không có quá nhiều thời gian, hãy sử dụng các trang thương mại điện tử để chọn mua và được giao hàng tận nơi, giúp tiết kiệm thời gian và công sức một cách hữu hiệu.  

Cây phượng vỹ dường như đã trở thành giống cây quen thuộc nhất đối với người dân Việt Nam. Hi vọng thông qua bài viết, bạn đọc có thêm nhiều thông tin chi tiết, hữu ích về loài hoa ý nghĩa này. Bên cạnh đó, nếu có bất cứ thắc mắc hoặc muốn biết thêm về những giống cây, hoa khác, đừng quên ghé thăm Khu Vườn Xanh để được cập nhất chính xác và nhanh chóng nhất nhé.

Chia sẻ
(5/5, 2 votes)
Phương Dung

Phương Dung

Tác giả