Danh mục Menu

Cây hoa Ngọc lan - Loài hoa với hương thơm nồng nàn mê đắm lòng người

Cây ngọc lan là cây công trình khá quen thuộc với người dân Việt Nam. Ngoài tác dụng làm bóng mát, hoa có hương thơm dịu nhẹ thư giãn tinh thần, cây ngọc lan cũng mang ý nghĩa rất tốt cho phong thủy. Hãy cùng Khu Vườn Xanh tìm hiểu chi tiết về loài cây, loài hoa đặc biệt này trong bài viết sau đây nhé!

Đặc điểm cây hoa Ngọc lan

Hoa ngọc lan còn được gọi là hoa sứ ngọc lan. Loài hoa này có tên khoa học là Michelia Alba thuộc họ Magnoliaceae. Hoa có nguồn gốc từ Ấn Độ, sau đó được nhân giống và trồng rộng rãi tại nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam. 

Cây Ngọc lan có tên khoa học là Michelia alba
Cây Ngọc lan có tên khoa học là Michelia alba

Cay Hoa ngoc lan mang trong mình những đặc điểm hình thái nổi bật như:

  • Cây hoa ngọc lan thuộc cây thân gỗ, chiều cao từ 10 - 15m, thậm chí có thể lên đến 20m nếu điều kiện sống thuận lợi. Thân cây ngọc lan vươn thẳng, vỏ thân màu trắng hơi nhám với tán cây rộng, tỏa bóng mát.
  • Lá ngọc lan có màu xanh, thuôn dài khoảng 20cm, mặt dưới của lá có lông. Khi lá non sẽ có màu xanh nõn chuối và chuyển xanh đậm khi lá già.
  • Hoa: Điểm đặc biệt của ngọc lan đến từ hoa của nó. Hoa ngọc lan có nhiều màu như trắng, vàng hoặc tím. Nhưng phổ biến nhất là hoa ngọc lan trắng với bông hoa màu trắng muốt tinh khôi, khi hoa chưa nở có dạng búp non thuôn nhọn. Khi hoa nở, 10 - 15 cánh hoa thuôn dài bung nở xung quanh một nhụy hoa màu vàng. Hoa ngọc lan tỏa hương thơm rất hấp dẫn, quyến rũ, nồng nàn và khó trộn lẫn. Tại Việt Nam, hoa ngọc lan thường nở từ tháng 3 đến tháng 8. Mỗi khi đi qua một cây hoa ngọc lan đang bung nở hoa, bạn sẽ thấy một mùi thơm nồng nàn, khó dứt. 
  • Quả: Sau khi hoa nở sẽ ra quả. Quả ngọc lan tròn, hơi thuôn dài. Khi còn non, quả màu xanh và chuyển nâu khi quả chín. Mỗi quả sẽ có từ 1 - 8 hạt màu xám.

Cây hoa ngọc lan có mấy loại?

Dựa vào màu sắc, hoa ngọc lan được chia thành 3 loại là: hoa ngọc lan trắng, hoa ngọc lan vàng và hoa ngọc lan tím. Tại Việt Nam, ngọc lan trắng và ngọc lan vàng là phổ biến hơn cả.

Hoa ngọc lan trắng

Loài ngọc lan này còn được gọi với tên khác như: hoa sứ trắng, bạch ngọc lan. Ngọc lan trắng phổ biến nhất tại Việt Nam và được trồng nhiều tại sân vườn của các gia đình, cây công trình. Hoa ngọc lan trắng nở rộ vào mùa xuân hè và tỏa hương thơm ngát ra không gian.

Hoa ngọc lan trắng
Hoa ngọc lan trắng

Hoa ngọc lan vàng

Đây là cây có nguồn gốc từ Ấn Độ và phía Tây Nam Trung Quốc. Bông hoa ngọc lan vàng với 10 - 15 cánh thuôn dài, màu cam xếp xen kẽ. Khi nở, cánh hoa bung ra với mùi thơm ngát rất dễ chịu. Loại ngọc lan này thường được trồng tại công viên, trường học hoặc tại khuôn viên chùa, đền thờ.

Hoa ngọc lan vàng
Hoa ngọc lan vàng

Hoa ngọc lan tím

Đây là loài ngọc lan họ Mộc lan với tên khoa học là Magnolia liliiflora. Cây ngọc lan tím dạng thân gỗ, cao từ 3 - 5m, lá hình bầu dục, lưng lá có lông mịn. Hoa ngọc lan tím mọc tại đỉnh cành, với cánh màu tím hoặc đỏ tía. Loài ngọc lan này thường được trồng trong vườn nhà hoặc làm cây công trình trồng tại ven đường, công viên, trường học,...

Hoa ngọc lan tím
Hoa ngọc lan tím

Hoa ngọc lan tây

Ngọc lan tây hay còn được gợi với cái tên hoa hoàng lan hoặc cây công chúa. Giống hoa này phổ biến tại khu vực Đông Nam Á. Ngọc lan tây có chứa lượng lớn tinh dầu thơm và thường được sử dụng để chế biến tinh dầu hoặc nước hoa, có tác dụng ngăn ngừa mụn nhọn và cải thiện sắc tố da, đặc biệt là với người bị chàm da

Hoa Ngọc lan tây còn được gọi là hoa Hoàng lan
Hoa Ngọc lan tây còn được gọi là hoa Hoàng lan

Cách phân biệt Ngọc lan trắng và Ngọc lan vàng

Nếu cây ngọc lan trắng và ngọc lan vàng đã ra hoa thì bạn chỉ cần nhìn vào màu hoa là phân biệt được 2 loài cây này. Nhưng nếu bạn mua cây giống chưa ra hoa thì làm thế nào phân biệt được? Đừng lo! Hãy để Khu Vườn Xanh giúp bạn nhé!

Đặc điểm

Cây hoa ngọc lan trắng

Cây hoa ngọc lan vàng

Lá cây

Mặt trên và mặt dưới lá có màu giống nhau.

Mặt dưới lá lớp trắng nhạt, mặt trên và mặt dưới lá có màu khác nhau.

Đốt thân

Đốt thân cách nhau xa.

Đốt thân cách nhau ngắn, chỉ từ 1 - 2 đốt ngón tay.

Lá non

Lá non trơn nhẵn, sờ vào có cảm giác thô ráp.

Lá non mềm mại như được phủ một lớp lông mịn.

Hoa ngọc lan nở vào mùa nào? Hoa có độc không?

Hoa ngọc lan thường nở vào tháng 3 và kết thúc vào tháng 8. Mùa hoa ngọc lan đã tạo cảm hứng để nhiều bài hát, bài thơ ra đời. Như nhạc sĩ Anh Quân đã viết trong bài hát “Hương ngọc lan” rằng: “Hương lan bay xa một trưa cuối thu” hay “Một nhành lan anh hái cho em/Để mãi là một chút hương ngày cuối thu”.

Mùi hoa ngọc lan rất thơm và không có độc. Hơn nữa, loài hoa này còn được dùng trong nhiều bài thuốc, mang lại nhiều lợi ích rất tuyệt vời cho sức khỏe.

Hoa ngọc lan thơm ngát, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe

Ý nghĩa cây hoa Ngọc lan trong phong thủy

Từ xa xưa, hoa ngọc lan mang biểu tượng của sự hiếu thảo, bao dung, dịu dàng. Do đó, các cụ thường đặt tên con gái mình là Ngọc Lan với mong muốn con luôn xinh đẹp, dịu dàng, hiền từ và hiếu thảo.

Trong phong thủy, hoa ngọc lan tượng trưng cho sự bền bỉ, may mắn cho gia chủ. Không những thế, mùi thơm nồng nàn của loài hoa này còn mang cảm giác ngọt ngào, tượng trưng cho niềm kiêu hãnh, nét đẹp thuần khiết của phái đẹp cũng như tình yêu tha thiết với cuộc sống.

Cây ngọc lan hợp mệnh gì?

Theo các chuyên gia phong thủy, nhờ tính chất cây tươi tốt quanh năm nên cây ngọc lan rất hợp với người mệnh Mộc. Do đó, gia chủ mệnh Mộc có thể trồng cây ngọc lan trong sân vườn để vừa lấy bóng mát, vừa tốt cho phong thủy nhé! 

Có nên trồng hoa ngọc lan trước nhà không?

Cây ngọc lan rất thích hợp trồng trước nhà bởi đây là loại cây tán rộng giúp tạo bóng mát cho sân vườn. Hơn thế, nó còn mang ý nghĩa phong thủy là sự may mắn. Tuy nhiên, bạn chỉ nên trồng 1 - 2 cây trước nhà thôi nhé bởi quá nhiều hoa cùng nở một lúc có thể khiến mùi thơm trở nên nồng và gây khó chịu đối với nhiều người. 

Tác dụng của cây Ngọc lan

Như đã nói ở trên, cây ngọc lan là cây công trình, được trồng nhiều tại công viên, trường học, trong các gia đình để giúp không gian sống xanh mát hơn và rất tốt cho phong thủy. 

Ngoài ra, theo Đông y, hoa ngọc lan còn có tác dụng chữa đau bụng kinh, trị viêm phế quản, thanh nhiệt cơ thể, chữa ho, đầy hơi, buồn nôn, sốt,... rất tốt và an toàn.

Trà hoa ngọc lan được dùng để chữa nhiều bệnh hiệu quả
Trà hoa ngọc lan được dùng để chữa nhiều bệnh hiệu quả

Cách trồng và chăm sóc hoa Ngọc lan

Cây ngọc lan khá dễ trồng và chăm sóc. Cây không yêu cầu điều kiện sống đặc biệt và sự cầu kỳ chăm sóc. Dưới đây, Khu Vườn Xanh sẽ hướng dẫn bạn cách trồng và chăm sóc loài cây này nhé!

  • Tiêu chuẩn lựa chọn giống: Bạn có thể tự nhân giống ngọc lan bằng cách chiết cành hoặc gieo hạt. Tuy nhiên, bạn nên chọn mua cây giống tại các vườn ươm, trại giống để đảm bảo chất lượng. Khi chọn cây giống, bạn nên chọn cây khỏe mạnh, không bị sâu bệnh.
Cây giống Ngọc lan đạt chất lượng
Cây giống Ngọc lan đạt chất lượng
  • Thời vụ trồng: Ở miền Bắc, bạn nên trồng cây vào mùa xuân hoặc mùa thu để tránh thời tiết quá nắng nóng hoặc quá lạnh. Đối với miền Nam, bạn nên trồng vào mùa mưa để cây dễ thích ứng với điều kiện thời tiết, đất đai.
  • Chuẩn bị đất trồng: Cây ngọc lan phù hợp với mọi loại đất nhưng tốt nhất bạn nên trồng cây ở nơi đất màu mỡ, nhiều chất dinh dưỡng. Trước khi trồng cây, bạn hãy dọn sạch cỏ và cuốc đất để đất tơi xốp.
  • Đào hố trồng: Trước khi trồng cây khoảng 10 - 14 ngày, bạn nên đào hố kích thước 60 x 60 x 60cm rồi bón lót phân chuồng ủ hoai, phân trùn quế, phân lân và chút vôi bột.
  • Cách trồng cây: Bạn rạch bỏ lớp bầu ni lông, sau đó đặt thẳng cây ngọc lan giống vào giữa hố đã chuẩn bị. Tiếp theo, bạn lấp đất kín cổ rễ và nén chặt. Sau khi trồng xong, bạn tưới đẫm nước để cây nhanh bén rễ và phát triển.
  • Tưới nước: Thời gian đầu sau khi trồng, bạn nên tưới nước cho cây ngọc lan thường xuyên, tốt nhất là tưới nước 2 lần/ngày vào buổi sáng sớm và chiều tối.
  • Che nắng cho cây: Thời gian đầu, nếu trời quá nắng nóng, bạn nên che nắng cho cây để tránh cây bị cháy lá.
  • Bón phân: Bạn có thể bón phân định kỳ 1 - 2 lần/năm để cây sinh trưởng tốt. Nếu trồng cây trên đất màu mỡ thì bạn có thể bón phân ít hơn mà cây vẫn xanh tốt. 
  • Cắt tỉa cây: Không như các loài cây khác, cây ngọc lan hiếm khi phải cắt tỉa, tạo tán. Tuy nhiên, bạn có thể loại bỏ bớt cành sâu bệnh, cành bị khô để cây xanh tốt và khỏe mạnh hơn.
  • Phòng và diệt sâu bệnh: Cây ngọc lan có thể bị các bệnh như: bệnh đốm xám, đốm than, rệp sáp, rệp Đài Loan, sâu bướm, bọ trĩ,... tấn công. Do đó, bạn nên chú ý đến cây để kịp thời phát hiện và có biện pháp tiêu diệt sớm nhé!

Giá bán cây hoa Ngọc lan bao nhiêu và mua ở đâu?

Giá bán cây ngọc lan giống khá rẻ, dao động từ 60.000 - 500.000 VNĐ tùy kích thước và chủng loại. Đối với cây ngọc lan cổ thụ, cây ngọc lan công trình thì giá dao động từ 3.000.000 - 10.000.000 VNĐ tùy với kích thước. Đặc biệt, với các cây lâu năm, đường kính gốc to, giá bán có thể lên đến 20.000.000 - 30.000.000 VNĐ.

Cây giống hoa Ngọc lan công trình
Cây giống hoa Ngọc lan công trình

Để mua cây ngọc lan giống, cây ngọc lan công trình, bạn có thể đến các vườn ươm, trại cây giống trên toàn quốc. Ngoài ra, bạn có thể mua online tại các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội hoặc các website. 

Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng cây giống, bạn nên chọn địa chỉ uy tín, chuyên nghiệp. Trước khi mua, bạn nên hỏi kỹ về chính sách thanh toán, vận chuyển, bảo hành cây để chọn được cây giống như mong muốn và tránh các rắc rối có thể xảy ra.

Bài viết đã giúp bạn có được những thông tin chi tiết về cây ngọc lan - loại cây có hoa thơm ngát và rất tốt cho phong thủy. Nếu bạn đang phân vân chọn một loại cây trồng trong sân vườn thì cây ngọc lan là lựa chọn rất tuyệt vời đấy! Nếu còn thắc mắc hoặc cần được tư vấn thêm, bạn hãy để lại bình luận phía dưới bài viết để Khu Vườn Xanh hỗ trợ nhé!

Chia sẻ
(5/5, 3 votes)
Hà Nguyễn

Hà Nguyễn

Tác giả