Danh mục Menu

Đại Lễ Vu lan: Nguồn gốc, ý nghĩa ngày lễ Vu Lan Báo hiếu Rằm tháng 7 Âm lịch

Đã từ lâu lễ Vu lan báo hiếu đã trở thành ngày đại lễ quan trọng trong văn hóa của nhiều nước. Đây là truyền thống tốt đẹp, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn ngàn đời của dân tộc, thông qua đó báo hiếu ông bà, cha mẹ, gửi lời cảm ơn trân thành tới đấng sinh thành. Trong khoảng thời gian này sẽ có nhiều hoạt động được tổ chức đặc biệt là phóng sinh, đi chùa, ăn chay,... và nhiều hoạt động phật giáo khác. Hãy cùng Khu Vườn Xanh tìm hiểu ngay thông tin liên quan đến ngày lễ này trong bài viết chi tiết dưới đây nhé.

Lễ Vu lan báo hiếu là gì?

Lễ Vu Lan báo hiếu được coi là văn hóa truyền thống tốt đẹp của các quốc gia Châu Á, đặc biệt là các quốc gia theo đạo Phật. Trong đó Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan,... là những nước vẫn giữ được nét đẹp và ý nghĩa của ngày lễ này.

Đối với người Việt, lễ Vu Lan được coi là một ngày lễ quan trọng và không thể thiếu vào dịp rằm tháng 7 âm lịch. Nếu như trước đây ngày lễ này liên quan nhiều đến tôn giáo thì hiện nay không chỉ là một ngày lễ tôn giáo mà đã trở thành một dịp thể hiện ý nghĩa sâu sắc về việc “quay về” với cội nguồn, với đạo lý “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.

Kính mừng Đại lễ Vu lan báo hiếu - Rằm tháng 7 Âm lịch
Kính mừng Đại lễ Vu lan báo hiếu - Rằm tháng 7 Âm lịch

Nguồn gốc của ngày lễ Vu lan báo hiếu

Nguồn gốc của ngày lễ Vu Lan báo hiếu bắt nguồn từ các yếu tố tôn giáo, ở đây là đạo Phật. Theo đó truyền thuyết Tôn giả Mục Kiền Liên – đệ tử của Đức Phật đã cứu thoát mẹ khỏi kiếp ngục quỷ. 

Truyền thuyết kể lại rằng, khi Đại Đức Mục Kiền Liên tu luyện thành công, ngài đã nhớ đến mẹ của mình. Mẹ của ngài đã mất, vì vậy ngài dùng mắt phép tìm kiếm xem bà đang ở đâu, nhưng kết quả lại vô cùng đau lòng.

Chính mắt ngài đã nhìn thấy mẹ bị đày thành Ngạ Quỷ và đi lang thang ở khắp mọi nơi, bị đói khát hành hạ để đền lại những tội ác mà bà đã gây ra. Không thể chịu đựng được mẹ mình bị hành hạ, ngài đã dùng phép để biến cơm dâng đến địa ngục nhưng tất cả đều hóa thành bụi lửa.

Sau đó, Đại Đức Mục Kiền Liên đã cầu cứu Phật Tổ, Phật Tổ đã nói với ngài rằng dù có tài giỏi, thông thuật đến mấy cũng không thể cứu được mẹ. Chỉ còn một cách duy nhất là hợp lực chư tăng khắp mọi phương, an cư kiết hạn tập trung chú nguyện. Ngài đã làm theo lời Đức Phật dạy, tập trung chú nguyện và làm lễ vào ngày rằm tháng 7 Âm lịch.

Sau bao cố gắng, cuối cùng Đại Đức Mục Kiền Liên cũng đã cứu được mẹ của mình. Kể từ đó sự tích về ngày Vu Lan báo hiếu ra đời và lưu truyền cho tới tận ngày hôm nay, thể hiện tấm lòng và sự tri ân của con cái đối với những người đã có công sinh thành dưỡng dục.

Ngày Lễ Vu Lan báo hiếu cha mẹ là ngày nào?

Ngày Vu Lan báo hiếu diễn ra vào tháng 7 Âm lịch hàng năm, cụ thể vào ngày 15/7 Âm lịch. Tùy thuộc vào từng năm khác nhau, ngày lễ Vu Lan có thể tương ứng với ngày dương lịch khác nhau. Năm 2023, dịp lễ Vu Lan rơi vào ngày 30/08/2023 dương lịch, tức ngày thứ 4.

Ngày lễ Vu lan báo hiếu cha mẹ Rằm tháng 7 Âm lịch - Tri ân đấng sinh thành
Ngày lễ Vu lan báo hiếu cha mẹ Rằm tháng 7 Âm lịch - Tri ân đấng sinh thành

Mỗi năm ngày lễ Vu Lan sẽ được tổ chức một lần, đây là khoảng thời gian diễn ra nhiều hoạt động thể hiện sự tri ân với cha mẹ, ông bà. Trong đó nổi bật nhất là những hoạt động như thả đèn, thả hoa đăng, ăn chay, cầu phúc, phóng sinh, đi chùa,..

Ý nghĩa đặc biệt của ngày lễ Vu lan báo hiếu

Cùng với truyền thuyết về ngày lễ Vu Lan, đây cũng là một ngày có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là dịp thể hiện tình cảm, sự biết ơn dành cho cha mẹ, những người thân yêu nhất. Đối với văn hóa dân tộc, đây là ngày lễ mang ý nghĩa hướng về cội nguồn và những giá trị tốt đẹp của việc uống nước nhớ nguồn.

Trong ngày đại lễ Vu Lan báo hiếu, người ta sẽ đến chùa để cầu nguyện, của phúc đốt nhang và thực hiện các hoạt động báo hiếu. Nếu cha mẹ còn sống, con cái sẽ cố gắng trở về quây quần bên gia đình, thể hiện lòng biết ơn và tình cảm của mình đối với cha mẹ, ông bà.

Bên cạnh đó, tại một số quốc gia, ngày lễ Vu Lan còn mang ý nghĩa về tinh thần đồng cảm và sự sẻ chia trong xã hội. Cả xã hội đều có trách nhiệm trong việc bảo vệ, sẻ chia với người già, người khuyết tật và có hoàn cảnh không may mắn trong cuộc sống.

Bông hồng cài áo trong lễ vu lan có ý nghĩa gì?

Nghi thức Bông hồng cài áo trong ngày lễ Vu Lan mang ý nghĩa vô cùng đặc biệt, mỗi màu sắc khác nhau của hoa sẽ mang một ý nghĩa khác nhau. Trong đó:

  • Bông hồng cài áo màu đỏ: Đức Phật nói rằng trong ngày lễ Vu Lan thiêng liêng, cài hoa hồng đỏ trên ngực áo thể hiện cho việc vẫn còn cha mẹ, thể hiện niềm hạnh phúc và biết ơn với bậc sinh thành trong cuộc sống. Bởi vì việc còn cha mẹ ở bên cạnh chính là điều may mắn, hạnh phúc và đáng tự hào nhất trong cuộc đời này.
  • Bông hồng cài áo màu trắng: Đối với bông hồng trắng, đây là hình tượng mang ý nghĩa những người con đã mất cha, mất mẹ hoặc mất cả cha và mẹ. Hoa hồng trắng tinh khiết, buồn thương, đồng thời cũng là sự nhắc nhở về việc họ đã mất đi những thứ quý giá nhất trong cuộc đời, hãy sống thật tốt để xứng với sự hy sinh của bậc sinh thành.
  • Hoa hồng vàng trong lễ Vu Lan: Bên cạnh hoa hồng đỏ và trắng, trong ngày lễ Vu Lan còn xuất hiện hình ảnh của hoa hồng vàng. Hoa hồng vàng mang ý nghĩa đại diện cho sự phổ độ chúng sinh, thường được gắn trên áo của các tu sĩ, thể hiện tấm lòng cao quý và một tâm hồn cao cả.
Bông hồng cài áo trong Lễ Vu Lan báo hiếu cha mẹ mang ý nghĩa đặc biệt
Bông hồng cài áo trong Lễ Vu Lan báo hiếu cha mẹ mang ý nghĩa đặc biệt

Ngày Vu Lan báo hiếu nên làm gì?

Ngày nay có rất nhiều hoạt động được thực hiện trong dịp lễ Vu Lan, vào ngày này mọi người thường lựa chọn lên chùa, cầu phúc, cầu bình an, về nhà thăm hỏi cha mẹ ông bà hoặc thăm viếng mộ phần người thân. Một số hoạt động bạn có thể tham khảo và thực hiện như:

Đi chùa cầu phúc, cầu bình an

Lên chùa cầu bình an cho người thân trong gia đình, ông bà, cha mẹ là hoạt động thường thấy nhất trong dịp lễ Vu Lan. Việc này không chỉ thể hiện tình cảm, sự biết ơn đối với bậc sinh thành mà còn là dịp để gắn kết gia đình, để tâm hồn được thư giãn, nghỉ ngơi và học cách yêu thương mọi người.

Nấu mâm cơm cúng

Nấu cơm cúng rằm tháng 7 là một trong những hoạt động thể hiện nét đẹp văn hóa của người Việt vào dịp lễ Vu Lan. Mâm cơm này tùy thuộc vào sở thích của từng nhà để thực hiện, có thể dùng mâm cơm chay hoặc mặn tùy ý, điều quan trọng nhất là phải gửi gắm được tấm lòng thành kính đối với tổ tiên của mình.

Chuẩn bị mâm cúng Rằm tháng 7 đẹp mắt và đầy đủ nhất
Chuẩn bị mâm cúng Rằm tháng 7 đẹp mắt và đầy đủ nhất

Thăm viếng mộ tổ tiên

Với ý nghĩa hướng về cội nguồn, tri ân ông bà tổ tiên, chính vì vậy vào dịp lễ Vu Lan bạn không nên bỏ qua việc thăm mộ phần người thân. Dọn dẹp, chăm sóc và thăm viếng người thân bằng tấm lòng chân thành nhất, cầu nguyện cho gia đình hạnh phúc, bình an và khỏe mạnh.

Mua quà tặng cho ông bà cha mẹ

Vào ngày lễ này, bạn nên chủ động mua quà tặng cho người thân, cha mẹ. Món quà có thể không quá giá trị về mặt vật chất nhưng phải thể hiện được sự chân thành, tình cảm và biết ơn của bản thân đối với những người thân yêu, đó cũng chính là điều mà mọi bậc sinh thành đều mong muốn.

Tránh sát sinh và làm điều xấu

Trong dịp lễ Vu Lan, bạn nên tránh sát sinh và làm việc xấu vì đây là những hoạt động có thể gây ra những điều không may mắn cho gia đinh. Để tích đứng và mang đến những niềm vui, may mắn bạn nên phóng sinh, ăn chay và không nên cãi cọ thay vào đó là giúp đỡ người khác.

Lời Kinh Vu lan báo hiếu

Kinh Vu Lan báo hiếu được sử dụng trong dịp lễ Vu Lan giúp hồi hướng công đức cho cha mẹ hoặc đọc vào ngày thường để chúc phúc cho những người thân. Đây là quyền kinh mang những ý nghĩa sâu sắc và tổng hợp những lời dạy của Đức Phật, nói về tấm lòng hiếu thảo của con người, bổn phận của con cái với cha mẹ.

Thời gian xuất hiện của bộ kinh này chưa được khẳng định chính xác, chỉ biết rằng vào khoảng thế kỷ thứ 3 sau Công nguyên Kinh Vu Lan đã xuất hiện, gắn liền với văn hóa Trung Quốc. Bộ kinh này mang tính chất giáo dục và đạo đức con người rất cao.

Nội dung chính của kinh Vu Lan báo hiếu bao gồm 3 phần chính là Dẫn nhập, Chánh Kinh và Hồi hướng. Phần dẫn nhập nói về nguyên nhân Đức Phật thuyết kinh, nguồn gốc của dịp lễ Vu Lan. Phần hai chỉ dạy phương pháp giúp mẹ cứu khỏi hành hạ cực khổ cho Mục Kiền Liên. Phần ba tổng hợp lời dạy về bổn phận và phương pháp thể hiện sự hiếu thảo với ông bà cha mẹ.

Từng câu chữ trong kinh Vu Lan đểu thể hiện sự thâm sâu, giúp bạn nhận ra những điều cao diệu và sự từ bi. Ẩn sâu bên trong là ý nghĩa về sự tự giác giác tha, sự tự lực giải thoát cũng như từ bi hỷ xả theo đúng những điều mà Đạo Phật vẫn luôn hướng tới.

Video hướng dẫn Tụng kinh Vu lan Báo hiếu cha mẹ cùng sư thầy Thích Pháp Hòa - Nguồn Youtube

Trước khi tiến hành tụng kinh, bạn nên rửa tay, súc miệng sạch sẽ, quần áo cần nghiêm túc, chỉnh tề. Tư thế ngồi giữ thân thằng, đoan nghiêm, âm thành vừa phải, đủ nghe, giữ cho tâm hồn thanh tịnh và hướng tới sự biết ơn, tình cảm chân thành với bậc sinh thành, ông bà, cha mẹ.

Trên đây là những thông tin chung về lễ Vu Lan báo hiếu, ý nghĩa và những việc nên làm vào dịp đặc biệt này. Mong rằng bài viết trên của Khu Vườn Xanh sẽ mang lại hữu ích cho bạn đọc, giúp bạn hiểu được nguồn gốc và thể hiện tình cảm chân thành nhất của mình với ông bà cha mẹ. Chúc bạn có một mùa Vu Lan hạnh phúc bên người thân và cùng nhau thực hiện những việc làm có ý nghĩa nhất.

TAGS:
Chia sẻ
(5/5, 1 vote)
Minh Khang

Minh Khang

Tác giả