Danh mục Menu

Kỹ thuật trồng và chăm sóc Lan Ngọc điểm ra hoa đẹp nhất

Lan Ngọc điểm thuộc giống lan rừng, phân bố hầu hết khắp nước ta. Kỹ thuật trồng Lan Ngọc Điểm không quá khó, tuy nhiên để cây lan ra hoa đẹp nhất thì mời bạn tham khảo bài viết sau đây.

Vốn là loài hoa rừng đẹp nổi tiếng, Lan Ngọc điểm được gọi dưới nhiều tên khác nhau: Lan đai châu, Lan lưỡi bò, Lan me, Nghinh xuân lan, Đai châu. Cây thuộc nhóm đơn thân không giả hành tăng trưởng theo chiều đứng, rất nhiều rễ trên không mọc thẳng từ thân. Hạt lan Ngọc điểm nảy mầm trong điều kiện tự nhiên rất mạnh.

Kỹ thuật trồng Lan Ngọc điểm

Trồng lan Ngọc điểm không quá khó bởi chúng là loài lan có khả năng sinh trưởng khá tốt trong môi trường tự nhiên cũng như môi trường trồng chậu, điều quan trọng là bạn phải nắm được các yếu tố kỹ thuật khi trồng loài hoa này.

Xử lý ban đầu

Phân loại lớn nhỏ sau đó cắt bỏ những lá hỏng và rễ hỏng. Xử lý nấm virus (bằng Kasumin 2L, Ridomil Gold, Afamil,…. có thể mua tại các quầy thuốc thực vật và phun theo đúng tỷ lệ trên nhãn của sản phẩm)

Cây giống Lan ngọc điểm rừng
Cây giống Lan ngọc điểm rừng

Ngâm cây vào dung dịch,(nên ngâm nước một ngày với công thức: 1 thìa súp đường, 1 thìa cà phê phân bón 30-10-10, 10 + 1 viên thuốc tránh thai + 20 lít nước: Khuấy cho đều, ngâm cây trong 4 giờ, lấy ra để cho ráo nước. Buộc 3 đến 5 cá thể lại với nhau rồi treo ngược (ngọn xuống dươí gốc phía trên).

Lưu ý: Che mưa cẩn thận tránh bị thối hàng loạt do cây mới hái có nhiều tổn thương. Để khoảng 15 – 25 ngày trước khi bắt đầu ghép cây vào cội : Phun thuốc trị bệnh và sau 7 ngày thì phun phân để phục hồi bộ rễ

Ghép cây Lan Ngọc Điểm

Ghép cây vào cội: (chú ý mặc lưng – bụng có ảnh hưởng đến sự phân bố chồi hoa sau này). Luôn nhớ lan Ngọc Điểm thường mọc trên cây cao rất thoáng gió cho nên không ưa không khí tù hãm vì thế rễ cây không được ẩm ướt suốt ngày. Lan cũng không ưa bị quấy nhiễu hay thay chậu, cho nên cách trồng tốt nhất là cột vào miếng gỗ, miếng ngói hay vỏ cây hay trồng trong giỏ để phơi rễ ra ngoài

Ghép lan đai châu lên trụ gỗ
Ghép lan đai châu lên trụ gỗ

Cách bón phân và chăm sóc Lan Ngọc Điểm

Giống nhiều loài hoa lan khác, Lan đai châu sống rất khỏe, khả năng thuần thời tiết của chúng khá nhanh, tuy nhiên bạn cần tránh để cây bị cháy lá hoặc môi trường sống ẩm dẫn tới cây dễ bị nhiễm nấm bệnh. Ngoài ra bạn cần chú ý tới các yếu tố như:

Ánh sáng, nhiệt độ

  • Ánh sáng: Tránh ánh sáng trực tiếp vì dễ làm cây bị cháy lá.
  • Nhiệt độ: phát triển tốt nhất là 20 – 30 độ C.

Bón phân và tưới nước

Bón phân và tưới nước là hai yếu tố cực kì quan trọng cho hoa phong lan nói chung và lan Ngọc điểm nói riêng. Vào mùa mưa chúng ta tưới hai lần một ngày mùa nắng thì tăng lên ba lần một ngày. Vào mùa nghỉ của lan kéo dài từ tháng 2 – tháng 4 duy trì tưới một lần một ngày là được.

Lan Ngọc điểm yêu cầu cứ 7 ngày thì tưới phân một lần với liều lượng quy định vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát. Nên tưới qua nước một lần, sau đó 10-15 phút thì tưới phân để cây hấp thụ tốt hơn.

Với cây lan con hoặc cây mới ghép nên dùng phân NPK: 30-10-10. Lan trưởng thành dùng NPK: 20-20-20. Khi thấy cây nhú hoa thì dùng NPK: 6-30-30 để cho hoa mập hơn, bền và tươi hơn.

Lưu ý: Trong thời kì ra hoa của lan, Ngọc Điểm chỉ nở trong khoảng thời gian 2 tuần lễ rồi tàn nhưng lại có mùi hương nhẹ nhàng quyễn rũ vì vậy trong lúc ra hoa bạn nên tăng hàm lượng kali trong phân bón. Đối với Lan Ngọc điểm bạn có thể dùng thêm các phân hưu cơ như phân bò khô, phân cá, phân dê khô để bón cho lan.

Phòng trừ sâu bệnh cho Lan Ngọc điểm

Ngọc Điểm lan là loài bản xứ vì thế khả năng chống chịu của nó rất cao, nó có khả năng chống lại hầu hết các loài sâu bệnh. Tuy nhiên một cây đai châu mới được mang từ rừng về được trồng ở nơi có nhiều ánh sáng trực tiếp sẽ làm cho cây bị bỏng lá và đây là ngõ xâm nhập của một số loài nấm và virus điều này lắm khi cũng làm cho cây chết

Lan đai châu tím ra hoa
Lan đai châu tím ra hoa

Các bệnh thường gặp khi trồng Lan Ngọc điểm:

  • Bệnh cháy lá – do tiếp xúc với ánh sáng trực tiếp trong thời gian dài.
  • Bệnh thối nhũ – thường xảy ra vào mùa mưa, cây bị thối do dư nước, do giá thể trồng lan không thoát nước dẫn đến cây bị thối nhũ.

Chăm sóc Lan Ngọc điểm khi cây ra hoa

Tháng 11 âm lịch: Chồi non của Lan Ngọc Điểm 1 -2 cm. Giai đoạn này cần theo dõi sự phát triển của chồi hoa. Đồng thời, theo dõi bệnh, nấm, nhện, kiến…. Thông thường Lan Ngọc Điểm nở hoa vào cuối mùa đông hay đầu mùa xuân và vào dịp Tết Nguyên Đán.

Lan đai châu tím trắng thái
Lan đai châu tím trắng Thái

Khi thấy lan ra nụ, hãy phun nước hoặc tăng thêm độ ẩm hoặc tưới sơ qua. Muốn Lan Ngọc Điểm nở sớm hơn hãy tăng thêm nhiệt độ hay là mang vào trong nhà để dưới ánh đèn, nhưng cần thoáng gió và độ ẩm. Nếu muốn Lan Ngọc Điểm chậm nở hãy mang vào chỗ rợp mát, vào phòng lạnh hoặc để nước đá ở gần, nhưng đừng cho vào gốc hay để rễ chạm vào.

Chăm sóc lan Ngọc Điểm khi hoa tàn

Lan Ngọc Điểm hoa nở trong khoảng 15 ngày là tàn, sau khi hoa tàn bạn cắt vòi hoa cũ và đưa cây vào nơi thoáng mát bón phân phun kích rễ để cây nhanh chóng ra rễ mới nhằm hồi sức sau khi nuôi hoa. Khi rễ mọc dài bám vào các giá thể thì mới bón phân trở lại.

Trên đây là những kỹ thuật cơ bản về cách trồng và chăm sóc lan Ngọc điểm mà chúng tôi muốn chia sẻ cùng các bạn. Đừng quên nhấn Like, Share và truy cập Khu Vườn Xanh mỗi ngày để cập nhật thêm kiến thức về các loài hoa, cây cảnh khác nhé. Chúc các bạn thành công !

Chia sẻ
(5/5, 2 votes)
Hoài An

Hoài An

Tác giả