Hoa Lan được nhiều người ưa chuộng vì vẻ đẹp độc đáo, màu sắc thắm tươi muôn vẻ, độ bền của hoa lâu. Tuy nhiên, để có những giò Lan đẹp trước hết người trồng cần nắm vững kỹ thuật ghép các loại Lan cụ thể như sau:
Thời vụ ghép Lan
Thực tế tùy theo mỗi loài hoa phong lan khác nhau mà bạn cũng cần tìm hiểu thêm về đặc tính sinh trưởng của chúng. Vì mùa nghỉ thực tế của Phong Lan kéo dài khoảng 2 tháng nên thời điểm ghép hoa lan thích hợp nhất là cuối tháng 2 đầu tháng 3 âm lịch.
Xử lý giá thể trước khi ghép Lan
Việc đầu tiên và quan trọng nhất trước khi tiến hành kỹ thuật ghép hoa Lan bạn cần phải xử lý các giá thể trồng lan, đảm bảo các giá thể này phải đạt yêu cầu cơ bản về đồ phù hợp với từng loại rễ lan đồng thời xử lý sạch các mầm bệnh tồn tại trên giá thể.
- Đối với gỗ : Ngâm nước vôi trong 24 tiếng, phơi thật khô, trước khi ghép ngâm nước lã 48 tiếng rồi ghép.
- Nếu trồng chậu: Cắt miếng dớn kích thước 3×4cm để dưới cùng, trải lớp than hoa lên, phủ sơ dừa, hoặc dớn trên cùng phủ 1 lớp rêu mỏng .
- Đối với cây: Mới mua về nên treo chỗ thoáng mát 3 ngày không tưới (mục đích là để khô những vết trầy xước trong quá trình vận chuyển). 3 ngày sau cắt tỉa hết các rễ khô hỏng, lá đốm (bôi vôi hoặc Ridomil pha sệt vào vết cắt)
Lựa chọn chậu và gốc ghép Lan
Việc đầu tiên cần phải lựa chọn chậu phải phù hợp với chiều cao, đường kính của gốc cây dùng để ghép hoa lan. Gốc cây có thể dùng là cây vú sữa, cây nhãn, cây táo,… Nếu gốc cây không có dáng như mong muốn, ít cành nhánh, có thể cưa các cành nhỏ để ghép vào gốc lớn tạo dáng đẹp cho gốc.
Các gốc cây ghép lan phải đảm bảo các yếu tố như lâu mục để khỏi hư rễ lan và khỏi phải thay cây khác. Cây có bề mặt thô ráp, không có vỏ bong tróc nhiều lớp. Nếu ghép trên cây sống không nên chọn loại cây hàng năm thay vỏ như cây ổi, cây bằng lăng…Không nên trồng trên cây có khả năng tiết ra hóa chất.
Kỹ thuật ghép Lan lên gốc cây
Kỹ thuật trồng hoa Lan lên gốc cây yêu cầu Lan trước khi ghép vào gốc cần được bó bằng xơ dừa dạng miếng lớn, để tạo độ ẩm cho cây giúp chúng dễ bám rễ và phát triển. Sau đó đặt Lan vào các giá thể tùy lựa chọn bằng thớt, gốc cây...
Để tạo một chậu Lan nhiều màu, nên xen kẽ các màu khác nhau. Giúp Lan bằng cách dùng kẽm cột chặt vào các cành nhánh của gốc ghép lan và khung lưới sắt. Nếu dùng giá thể dạng thớt thì đóng đinh hoặc khoan lỗ rồi đóng mấy mẩu đũa gỗ vào lỗ cho chặt rồi buộc lan vào que đũa là được. Còn cách ghép áp vào khúc gỗ nên dùng dây thít nhựa vừa nhanh vừa chặt, thắt đến đâu chặt đến đó. Vườn khô thì cài thêm ít xơ dừa gần thân, vườn ẩm mát thì khỏi cần.
Những chú ý khi ghép Lan lên giá thể
Tưới giữ ẩm bằng hàng ngày, sau 7-10 ngày phun B1 và Atonik xen kẽ. Treo nơi thoáng mát, tránh mưa dài ngày và nắng xối trực tiếp.
Chọn cây Lan
Nên chọn các cây ko có các dấu hiệu sâu bệnh, có đủ lá gốc càng tốt, nếu để chơi, nên chọn cây có ít nhất 5 – 6 lá.
Cách trồng ghép chậu
Không nên trồng lan quá chặt. Khi ghép Lan vào chậu, vì sợ cây lan đổ, ngả nghiêng nên ta cố gắng nhét thật nhiều chất trồng vào chậu và nèn gốc lan thật chặt. Hậu quả là lan chết úng, rễ không phát triển được.
Xử lý giá thể
Không xử lý giá thể là một trong những sai lầm thường gặp nhất, bởi do bạn quá chủ quan vì cho rằng không cần xử lý vẫn ổn tuy nhiên điều đó sẽ là trở ngại lớn cho quá trình phát triển của hoa Lan.
Ví dụ lũa không rửa sạch và không dùng bàn chải sắt đánh sạch sẽ làm rễ lan bám không chắc hoặc không bám được, hoặc cục lũa quá khô mà bạn không ngâm nước 1-2 ngày mà ghép ngay, giả hành hoặc cây lan của bạn sẽ bị mất nước do chính cục lũa mà bạn ghép. Hay dớn không ngâm hoặc luộc thì sau này cỏ dại sẽ mọc lên rất nhiều, bên cạnh đó còn mầm bệnh, côn trùng phá hoại, ốc sên… trong giá thể sẽ phá hoại bộ rễ lan và mầm non của bạn
Mật độ ghép lan
Khoảng cách và mật độ ghép là một trong những yếu tố quan trọng khác khi ghép hoa lan lên giá thể. Bạn không nên ghép dày nhiều um tùm 1 đống (nùi) hay ghép quá thưa gây ảnh hưởng tới quá trình sinh trưởng và phát triển rễ của hoa Lan
Cách chăm sóc Lan ghép gốc cây
Vì là cây ưa mát nên dù bất cứ giống Lan nào cũng không để cho nắng trời trực tiếp chiếu vào giỏ, bụi lan và toàn bộ giá thể (lồng lan), đặc biệt “kỵ” với nắng quái chiều và gió Tây (gió Lào). Nếu trồng đại trà thì phải làm giàn bằng lưới nilon có lỗ để lan vẫn quang hợp được.
Chú ý phun tưới toàn bộ cây và giá thể theo kinh nghiệm “2 ướt 1 khô” trong ngày đó là vào các thời điểm trước bình minh và sau hoàng hôn. Lượng nước vừa đủ làm mát cây, ướt rễ và dự trữ.
Cần loại bỏ ngay những lá già, úa vàng ngăn chặn sâu bệnh bội nhiễm, tỉa các cành khô, rễ hết chức năng hấp thụ hơi nước và cộng sinh với vi khuẩn cố định đạm nuôi cây. Không nên dùng phân NPK- loại dùng cho cây hoa màu, cây lương thực bón cho lan.
Để cây tươi lâu đẹp bền, hoa sai thắm màu, hương đậm có thể thúc cho lan nước gạo mới vo, nước ngâm tro hoai và rắc xỉ than. Nếu có điều kiện lấy bông (hoặc vải bông cotton) nhúng vào dung dịch glicerin 10- 15% cuốn vào cổ rễ lan để giữ ẩm.
Trên đây là những thông tin và kiến thức cơ bản dành cho các bạn đang tìm hiểu về kỹ thuật ghép Lan lên chậu hoặc các giá thể. Hi vọng rằng những thông tin trên đây sẽ giúp ích được cho bạn trong quá trình chăm sóc và chơi lan. Chúc bạn ghép lan thành công và có vườn Lan đẹp, và đừng quên ghé thăm Khu Vườn Xanh mỗi ngày để cập nhật thêm thông tin về các loài hoa, cây cảnh khác nhé.