Cây bông vải là loại cây công nghiệp được trồng nhiều ở Việt Nam để phục vụ cho ngành công nghiệp dệt và may mặc. Đây là loại cây công nghiệp mang lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân, đồng thời nó cũng đóng góp một phần không thể thiếu vào sự phát triển của ngành công nghiệp thời trang trị giá hàng tỷ đô.
Đặc điểm của cây Bông vải
Cây bông vải là một loại thực vật thuộc họ Cẩm quỳ, có tên khoa học là Gossypium herbaceum. Bông vải thuộc giống cây công nghiệp ngắn ngày, có chiều cao từ 1 - 3m với các đặc điểm hình thái vô cùng đặc biệt và dễ dàng nhận biết:
- Phần thân: Là giống cây thân bụi có bộ rễ ăn sâu và phát triển mạnh, phần thân của chúng có nhiều lông, thân to và phần ngọn khá bé
- Phần lá: Lá cây bông vải thường mọc so le nhau, cuống lá dài, phiến lá gồm 5 thùy.
- Phần hoa: Hoa bông vải thường có màu trắng sữa hoặc vàng tùy vào loại giống bông vải khác nhau
- Phần quả: Quả bông vải thuộc loại quả nang, mỗi quả có từ 3 - 5 ngăn, mỗi ngăn chứa 1 múi bông màu trắng như tuyết. Bên trong quả bông vải có Xơ bông màu trắng mịn màng, có độ dài từ 10 - 50mm tùy vào giống cây bông vải.
Cây Bông vải là nguyên liệu cho ngành nào?
Cây bông vải được trồng để phục vụ cho ngành công nghiệp dệt, may mặc bởi đây là chất liệu được ưa chuộng với các đặc tính siêu việt như: mềm mại, co giãn tốt, cách nhiệt, thoáng khí.
Các vùng trồng cây Bông vải tại Việt Nam
Cây bông vải là loại cây khá kén khí hậu, đất đai nên không được trồng phổ biến trên cả nước mà tập trung chủ yếu ở vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long tại các tỉnh như: Bình Thuận, Quảng Nam, Gia Lai, Đắk Nông, Đắk Lắk, Bình Phước,...
Lợi ích của cây Bông vải
Như đã nói ở trên, cây Bông vải được trồng chủ yếu để lấy xơ phục vụ ngành công nghiệp may mặc. Bên cạnh đó, hạt bông cũng được sử dụng để ép dầu ăn với giá trị dinh dưỡng cao, rất tốt cho sức khỏe của con người. Ngoài ra, hạt bông cũng được dùng để làm thức ăn cho gia súc. Đồng thời, thân cây bông được sử dụng trong công nghiệp sản xuất giấy, làm phân xanh cải tạo đất hoặc chất đốt.
Hướng dẫn trồng và chăm sóc cây Bông vải đúng kỹ thuật
Để cây bông vải cho năng suất cao trên diện tích cây trồng lớn, bà con cần lưu ý kỹ thuật trồng và chăm sóc cây bông vải đáp ứng các yếu tố như sau:
- Chọn đất trồng bông vải: Nên chọn đất tốt, giàu dinh dưỡng, thoát nước tốt, tơi xốp. Sau đó làm cỏ, cày bừa để chuẩn bị gieo hạt.
- Chọn giống: Nên chọn giống có khả năng kháng các loại sâu bệnh như: rầy, sâu miệng nhai.
- Thời vụ: Thông thường, cây bông vải được trồng vào vụ mưa (vụ mùa) và vụ khô (vụ Đông Xuân). Tuy nhiên, mỗi vùng sẽ có khí hậu, đất đai khác nhau nên thời gian trồng bông vải cũng khác nhau.
- Cách gieo hạt bông: Tiến hành rạch hàng, bón phân lót rồi gieo hạt khi đất còn ẩm. Lưu ý gieo mỗi hốc 1 - 2 hạt, xen kẽ 2 hạt rồi 1 hạt rồi 2 hạt sau đó lấp đất mịn lên. Cách gieo hạt như trên với mục đích để dặm, tỉa trong trường hợp cây không lên mầm. Sau khi cây có 2 - 3 lá thật thì tỉa chỉ còn 1 cây/hốc.
- Mật độ và khoảng cách gieo:
- Mật độ gieo hạt bông vải: 55.000 – 60.000 cây/ha
- Khoảng cách: Trong trường hợp trồng hàng đơn là 0,7m x 0.25m x 1 cây/hốc. Đối với trồng hàng kép là 0,4m x 1m x 0,25m x 1 cây/hốc.
- Xới xáo: Khi cây bông được 15 ngày sau gieo cần xới xáo nhẹ xung quanh gốc để tạo độ thoáng cho đất và làm cỏ, tránh cỏ ăn hết chất dinh dưỡng của cây. Khi cây đến thời kỳ ra nụ thì xới sâu hơn và tiến hành vun đất vào gốc cây chống đổ.
- Bấm ngọn: Nên bấm ngọn chính và bấm đầu cành khi cây có khoảng 8 - 10 cành quả. Điều này sẽ giúp tạo ra nụ nhiều hơn, quả nặng hơn.
- Tưới tiêu: Bông vải là cây cần nước nhưng không chịu được úng. Do đó, bà con cần chú ý tưới đều nước vào mùa khô, mùa mưa tránh úng ngập.
- Phòng trừ sâu bệnh: Thường xuyên thăm nom, quan sát và phát hiện sớm, từ đó có biện pháp phòng trừ và tiêu diệt các loại loại sâu bệnh.
Các bệnh thường gặp trên cây Bông vải
Bên ngoài tự nhiên loài cây này sinh trưởng và phát triển mạnh ít sâu bệnh. Tuy nhiên trong môi trường trồng đại trà công nghiệp với số lượng diện tích lớn, việc phòng tránh các bệnh cho cây là điều không hề đơn giản. Dưới đây là một số bệnh thường gặp trên cây bông vải mà bà con cần lưu ý:
- Bọ trĩ trên cây bông cải: Đây là bệnh khá phổ biến trên cây bông vải nói riêng và các loại cây khác nói chung. Chúng thường tập trung dọc 2 bên gân lá, hút chất từ lá làm lá cây bị rách, biến dạng, gây rụng nụ, hoa và quả non, khiến cây cằn cỗi, còi cọc.
- Nhện đỏ bông vải: Loại nhện này ăn biểu bì và hút mô dịch của lá bông vải, khiến lá bị vàng, loang lổ, khiến quá trình quang hợp của cây bị ảnh hưởng, làm cành non bị khô héo và chết.
- Rầy xanh bám trên lá bông vải: Loại rầy này chích hút dịch từ cây, khiến cây bông vải còi cọc, nụ và quả non bị rụng.
- Rệp bông vải: Rệp sẽ chích hút dịch từ lá, khiến lá biến dạng, co và quăn lại, làm cây sinh trưởng kém.
Thu hoạch cây bông vải như thế nào?
Cây bông vải thường nở vào tháng 11 - 12 nên để bông đạt chất lượng tốt nhất, bà con cần thu hoạch kịp thời, tránh mưa làm hư hại bông. Thông thường, thời gian thu hoạch bông sẽ có 3 đợt:
- Đợt 1: Thu hái khi 5 - 6 quả ở gốc nở tung.
- Đợt 2: Thu hái các bông ở tầng giữa sau 10 - 15 ngày từ thời điểm đợt 1.
- Đợt 3: Khi các bông ở ngọn và đầu cành nở rộ thì thu hái đợt 3.
Khi thu hoạch bông vải, bà con nên phân loại bông, loại bỏ các bông múi cau, thối đen, không đạt chất lượng, không để lẫn lá, tai quả, đất vào bông. Sau khi thu hoạch nên phơi bông để đảm bảo không bị ẩm, khiến bông giảm độ bền. Lưu ý trước khi phơi cần dọn sạch sẽ rác, lá cây, tóc, sợi nilon vì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.
Hạt giống cây bông vải giá bao nhiêu và mua ở đâu?
Bà con nông dân có thể mua Hạt giống cây bông vải tại các trung tâm cây giống nông lâm nghiệp hoặc trên các sàn thương mại điện tử. Tỉ lệ nảy mầm của hạt giống cây bông vải là 100%. Sau khi mua hạt giống bà con có thể bảo quản tủ lạnh nếu để lâu mới trồng
Qua thông tin trên, chắc hẳn bà con đã có những kiến thức chi tiết về cây bông vải. Nếu cần được tư vấn thêm, bà con vui lòng để lại ý kiến trong phần bình luận để đội ngũ chuyên gia của Khu Vườn Xanh giải đáp chi tiết. Chúc bà con có những vụ mùa bội thu. Đừng quên nhấn Like, Share và truy cập Khu Vườn Xanh mỗi ngày để cập nhật thêm thông tin, kiến thức về các loài hoa, cây cảnh khác bạn nhé.