Danh mục Menu

Rừng Phòng hộ - Khái niệm, Phân loại, Vai trò và Biện pháp Bảo vệ hiệu quả

Có nhiều cách phân loại rừng khác nhau, trong đó Rừng phòng hộ được coi là một tài nguyên quý giá đối với sự phát triển của quốc gia. Không chỉ đóng vai trò lớn trong việc bảo vệ tài nguyên sinh thái, sự đa dạng sinh học, chúng còn góp phần phát triển nền kinh tế đất nước. Bài viết dưới đây của Khu Vườn Xanh sẽ giới thiệu tới bạn đọc những thông tin về chức năng và cách bảo vệ rừng chi tiết nhất.

Rừng phòng hộ là gì?

Trong hệ thống phân loại rừng hiện nay, Rừng phòng hộ đóng vai trò quan trọng bậc nhất. Chúng có tác dụng chính trong việc bảo vệ đất, chống lại ảnh hưởng từ các hiện tượng tự nhiên như lũ quét, sạt lở, xói mòn. Ngoài ra, khu vực rừng này còn tạo ra môi trường sống tự nhiên cho các sinh vật địa phương.

Rừng phòng hộ đóng vai trò quan trọng bậc nhất
Rừng phòng hộ đóng vai trò quan trọng bậc nhất

Vai trò của Rừng phòng hộ

Mục tiêu chính của Rừng phòng hộ là bảo vệ, bảo tồn và phục hồi các hệ sinh thái rừng nguyên sinh, bảo vệ đa dạng sinh học, duy trì trạng thái tự nhiên của rừng. Bên cạnh đó rừng cũng góp phần bảo vệ an ninh quốc phòng, kết hợp với các hoạt động du lịch sinh thái, giải trí.  

  • Bảo vệ đa dạng sinh học: Rừng phòng hộ cung cấp một môi trường sống tự nhiên cho nhiều loại động, thực vật. Chính vì vậy, ở đây có rất nhiều loài động vật hoang dã và thực vật quý hiếm. Đa dạng sinh học của rừng giúp duy trì cân bằng môi trường và hạn chế các tác động xấu từ môi trường bên ngoài.
  • Điều tiết nguồn nước: Rừng giữ lại và lọc nước mưa, ngăn chặn sự xói mòn trên mặt đất. Các cây cối và hệ thống rễ giữ chặt đất, giảm nguy cơ sạt lở đất và lũ lụt. Đồng thời giúp duy trì chất lượng nước bằng cách ngăn chặn những chất bẩn, chất thải, đất lở trôi xuống lòng sông, suối.
  • Bảo vệ khí hậu: Rừng phòng hộ đóng vai trò quan trọng trong quá trình hấp thụ carbon dioxide (CO2) và giải phóng oxy (O2) vào khí quyển. Từ đó giúp giảm hiệu ứng nhà kính và mang lại một bầu không khí trong lành, bảo vệ môi trường, bảo vệ khí hậu hiệu quả.
  • Bảo vệ công trình: Các hệ thống rừng phòng hộ được trồng ở các cửa sông, cửa biển có vai trò chính trong việc bảo vệ công trình ven biển, cố định bùn hình thành đất mới. Hỗ trợ hiệu quả việc ngăn chặn các tác động tiêu cực từ bên ngoài tới hệ thống công trình.
  • Hỗ trợ cuộc sống của người dân: Không chỉ bảo vệ môi trường sinh thái, Rừng phòng hộ còn mang lại lợi ích kinh tế và xã hội cho cộng đồng địa phương thông qua việc thúc đẩy du lịch sinh thái, các khu du lịch nghỉ dưỡng.

Phân loại rừng phòng hộ

Theo Luật Lâm nghiệp, rừng phòng hộ của nước ta được chia thành nhiều nhóm khác nhau với tầm quan trọng đặc biệt trong bảo vệ môi trường và an ninh quốc gia

Rừng phòng hộ đầu nguồn

Là khu vực rừng trên địa hình đồi núi, độ dốc từ 15 độ trở lên, thuộc lưu vực sông, hồ. Độ dày tầng đất dưới 70cm với loại đất cát pha trung bình và 30cm đối với đất thịt nhẹ hoặc trung bình. Thực tế cho thấy, rừng đầu nguồn không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ chất lượng nguồn nước mà còn có tác động đáng kể đến biến đổi khí hậu và sự thay đổi môi trường, ngăn ngừa xói mòn và giảm thiểu tác động của thiên tai.

Rừng phòng hộ đầu nguồn
Rừng phòng hộ đầu nguồn

Rừng phòng hộ ven biển

Rừng ven biển bao gồm rừng chắn gió, chắn cát bay và rừng chắn sóng, lấn biển. Trong đó, rừng chắn gió, chắn cát bay lại được chia thành giáp biển và sau đai rừng. Đối với rừng chắn sóng, lấn biển được phân loại theo vùng bờ biển, vùng cửa sông, vùng đầm phá ven biển.

  • Rừng chắn gió, chắn cát giáp bờ biển: Đối với vùng biển gặp tình trạng xói lở, chiều rộng đai rừng tối thiểu là 300m, ngược lại nếu không chịu xói lở, chiều rộng này sẽ là 200m.
  • Rừng chắn gió, chắn cát bay phía sau đai rừng: Đối với vùng cát có diện tích từ 100ha, chiều rộng đai rừng phải đạt từ 40m, dưới 100ha là 30m.
  • Vùng bờ biển, chiều rộng đai rừng chắn sóng, lấn biển là 150m đối với vùng biển hội tụ, ổn định. Vùng cửa sông chiều rộng đai rừng tối thiểu là 200m và đối với vùng đầm phá ven biển là 100 – 250m.
Rừng phòng hộ ven biển Cần Giờ
Rừng phòng hộ ven biển Cần Giờ

Rừng phòng hộ bảo vệ môi trường sinh thái

Rừng bảo vệ môi trường sinh thái có mục tiêu chính là bảo vệ và giữ gìn môi trường tự nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học và giúp duy trì cân bằng hệ sinh thái. Một số khu vực sẽ được xây dựng thành những khu nghỉ dưỡng, khu du lịch sinh thái tự nhiên để tạo ra nguồn lợi kinh tế.

Rừng phòng hộ biên giới

Rừng nằm tại khu vực biên giới nắm vai trò chính trong việc bảo vệ quốc phòng và an ninh quốc gia. Theo đó đây là những khu vực rừng nằm sát vành đai biên giới, gắn với những điểm trọng yếu trong của quốc phòng. Loại rừng này sẽ được thành lập theo đề nghị của cơ quan quản lý biên giới.

Khai thác và quản lý Rừng phòng hộ

Theo Luật Lâm nghiệp Việt Nam quy định, rừng thuộc nhóm phòng hộ được phép khai thác, tuy nhiên phải đáp ứng đúng các điều kiện và phương thức cụ thể bao gồm:

Được phép khai thác đối với rừng là gỗ tự nhiên khi cây gỗ đã chết, gãy đổ, sâu bệnh hoặc ở những nơi có mật độ cây lớn. Phải có phương án khai thác theo quy định và khai thác không vượt quá 20 trữ lượng.

Khai thác rừng phòng hộ trái phép đang là vấn nạn nhức nhối thời gian qua
Khai thác rừng phòng hộ trái phép đang là vấn nạn nhức nhối thời gian qua

Cá nhân, tổ chức được khai thác măng, tre, nứa, nấm trong từng, khai thác lâm sản khác mà không ảnh hưởng tới khả năng phòng hộ. Bên cạnh đó phải đáp ứng duy trì sự phát triển bền vững đồng thời không được khai thác lớn hơn lượng tăng trưởng của các sản phẩm lâm nghiệp khai thác.

Đối với rừng trồng, được phép chặt tỉa thưa khi rừng có mật độ lớn hơn so với quy định. Sau khai thác cần tái sinh hoặc trồng lại trong vụ kế tiếp, không khai thác quá 20 trữ lượng, không khai thác trắng quá 3ha,...

Đất rừng phòng hộ do Nhà nước quản lý, tuy nhiên Nhà nước sẽ giao đất cho tổ chức, cá nhân, hộ gia đình hoặc ủy ban nhân dân cấp tỉnh, huyện và cộng đồng dân cư quản lý, bảo vệ và sử dụng. Khi có kế hoạch khai thác, sử dụng cần phải thông qua phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền. Bên cạnh đó, cần phải thực hiện theo đúng các  quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.

Ví dụ về Rừng phòng hộ

Hiện nay có rất nhiều rừng được trồng, trong đó một ví dụ nổi bật có thể tham khảo là rừng phòng hộ ven biển tỉnh Quảng Ngãi hay còn gọi là rừng phi lao. Hệ thống rừng này có tác dụng chính trong việc bảo vệ hệ sinh thái và hạn chế tình trạng ngập mặn của khu vực.

Nằm ven biển với hệ thống đầm lầy, đầm phá, mang lại điều kiện sống lý tưởng cho đa dạng các loài chim địa phương và chim di cư. Ngoài ra còn có hệ sinh thái đa dạng, phong phú với nhiều loài cây gỗ quý hiếm như trầm bầu , cẩm lai, sồi trắng, tràm,... Hệ thống rừng này được coi là “lá chắn hiệu quả” giúp ứng phó với biến đổi khí hậu đặc biệt là tình trạng nước biển dâng.

Ngoài ví dụ trên, cả nước ta tại thời điểm hiện tại có một số những hệ thống rừng chính bao gồm:

  • Rừng Sơn Động (Bắc Giang);
  • Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau;
  • Khu rừng xung yếu và sản xuất Lâm ngư trường 184 (Cà Mau);
  • Rừng ven biển Nhà Mát (Bạc Liêu).
  • Rừng ngập mặn ở Nam Định;
  • Vườn quốc gia U Minh Thượng – Kiên Giang
  • Rừng ngập mặn phòng hộ huyện Cần Giờ.
  • Rừng Nam Cát Tiên (Đồng Nai)

Các biện pháp bảo vệ Rừng phòng hộ

Với vai trò đặc biệt quan trọng đối với kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và an ninh quốc phòng của quốc gia. Chính vì vậy, mỗi người đều cần có ý thức bảo vệ và giữ gìn hệ thống rừng phòng hộ thông qua những hành động cụ thể như:

Quản lý và thực hiện giám sát

Việc quản lý và giám sát rừng là yếu tố quan trọng nhất để đảm bảo sự tồn tại và phát triển của các hệ sinh thái rừng. Điều này có thể được thực hiện thông qua việc thành lập các cơ quan chuyên trách quản lý, cơ chế xử phạt khi cá nhân, tổ chức xâm phạm hoặc tác động tiêu cực tới rừng.

Bảo vệ bền vững Rừng phòng hộ qua công tác quản lý, giám sát
Bảo vệ bền vững Rừng phòng hộ qua công tác quản lý, giám sát

Trồng cây, gây rừng

Biện pháp hữu hiệu nhất hiện nay có thể kể tới chính là trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi trọc. Tuy nhiên việc trồng rừng cũng cần thực hiện theo đúng quy hoạch, quy định của pháp luật, Nhà nước, không được tự ý trồng vào những khu vực chưa được cho phép.

Không chặt phá rừng

Tuyệt đối không chặt phá rừng bừa bãi hay khai thác rừng khi chưa được sự cho phép của các cơ quan chức năng. Các biện pháp như tăng cường tuần tra, pháp lý cứng rắn và tăng cường sự hợp tác giữa các cơ quan quản lý, cảnh sát và cộng đồng địa phương có thể giúp ngăn chặn và đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật.

Giáo dục và tuyên truyền

Việc tăng cường giáo dục và tuyên truyền về tầm quan trọng của việc bảo vệ rừng cho cộng đồng địa phương cũng là một biện pháp quan trọng. Thông qua chương trình giáo dục nhằm nâng cao nhận thức về giá trị và vai trò quan trọng của rừng đối với cuộc sống của con người.

Trên đây là toàn bộ thông tin về Rừng phòng hộ, vai trò và các biện pháp bảo vệ. Mong rằng thông qua bài viết của Khu Vườn Xanh, bạn đọc đã có cho mình thêm những kiến thức bổ ích trong việc bảo vệ tài nguyên chung của quốc gia, giúp giữ gìn môi trường xanh – sạch – đẹp. 

Chia sẻ
(5/5, 4 votes)
Hiền Trần

Hiền Trần

Tác giả