Danh mục Menu

Cây Vạn tuế - Đặc điểm, Ý nghĩa phong thủy, Cách trồng và Chăm sóc chi tiết

Từ lâu, Vạn tuế đã được trồng với mục đích làm cảnh mang lại nhiều ý nghĩa phong thủy tốt cho gia chủ. Chính vì vậy ngày nay giống cây này đã dần trở nên phổ biến ở hầu khắp các quốc gia. Nếu bạn đang tìm hiểu thông tin về giống cây cảnh này, bài viết dưới đây của Khu Vườn Xanh là dành cho bạn. 

Đặc điểm cây Vạn tuế

Cây vạn tuế còn được gọi là chuối chịu lửa, cây đuôi phượng,... Tên tiếng anh là Cycas revoluta. Đây là giống cây thuộc họ thực vật Cycadaceae, được trồng nhiều trong nhà, sân vườn hoặc những khu vực công cộng.

Loài cây này có nguồn gốc từ các quốc gia khu vực Châu Á như Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ,... sau đó du nhập vào hầu hết các nước trên thế giới, có nhiều quốc gia khu vực Châu Âu, Châu Mỹ cũng có sự xuất hiện của giống cây này tuy nhiên không quá phổ biến như Châu Á.

Cây Vạn tuế có tên tiếng Anh là Cycas revoluta
Cây Vạn tuế có tên tiếng Anh là Cycas revoluta

Đặc điểm hình thái

Cây Vạn tuế có một số đặc điểm nổi bật, dễ dàng phân biệt và nhận biết so với những giống cây cảnh khác. Tuy nhiên nếu bạn không tìm hiểu kỹ sẽ dễ bị nhầm lẫn với cây Thiên tuế bởi hình dáng bên ngoài: 

  • Thân cây: Thân cây mọc thẳng, có kích thước tương đối lớn nếu trồng trong tự nhiên, chiều cao trung bình có thể lên tới từ 2 - 4m. Cây có hình trụ tròn vững chắc, ít phân nhánh và có màu nâu nhạt hoặc đậm ngoài vỏ tùy vào tuổi thọ của cây. 
  • Phần lá: Lá vạn tuế mọc từ phần thân và vòng xung quanh, lá xòe giúp cây trông lớn hơn. Hình dạng chủ yếu giống với lông chim và nhọn về phía đầu. Mỗi lá đều có nhiều nhánh lá con khác, lá dài có thể đạt tới 25 - 30cm và có gai dưới cuốn lá. 
  • Phần hoa: Hoa vạn tuế có đặc điểm chính là nhiều mắt nhỏ xếp lại với nhau, phía trên nhỏ và mở rộng. Màu sắc chủ yếu là vàng cam hoặc trắng, có hai loại chính là hoa đực và hoa cái. Hoa đực mang nón phấn dựng đứng, hoa cái có túi bào tử. Tuy nhiên giống cây này rất khó ra hoa cho nên hoa vạn tuế tương đối hiếm.

Thời kỳ ra hoa

Nhiều gia đình trồng vạn tuế 1 - 2 năm nhưng không thấy hoa cho rằng giống cây này không ra hoa. Tuy nhiên trên thực tế, vạn tuế có hoa và quả, tuy nhiên tùy thuộc vào từng điều kiện đất và khí hậu thích hợp cây mới nở hoa. Nếu không phù hợp với thổ nhưỡng hoặc cách chăm sóc không đúng với đặc điểm sinh trưởng, có thể không bao giờ ra hoa. Đó cũng chính là lý do tại sao hoa vạn tuế lại rất quý hiếm, theo quan điểm của dân gian, khi cây ra hoa sẽ mang lại nhiều ý nghĩa quan trọng.

Cây cảnh vạn tuế hợp với những người có mệnh Mộc và mệnh Thủy
Cây cảnh vạn tuế hợp với những người có mệnh Mộc và mệnh Thủy

Cây Vạn tuế có tác dụng gì?

Được trồng khá phổ biến ở Việt Nam, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp chúng ở bất cứ đâu từ các gia đình, công viên, trung tâm thương mại hay quảng trường,... Chúng có nhiều tác dụng khác nhau tuy nhiên thường được người ta sử dụng với mục đích làm cảnh là chính. 

  • Trồng làm cảnh: Cây thường được trồng trong nhà, ngoài sân vườn, khu vực tiểu cảnh hoặc khu vực công cộng với vai trò làm cảnh, tăng thêm giá trị thẩm mỹ cho không gian. Từ đó giúp ngôi nhà của bạn trở nên nổi bật hơn rất nhiều. 
  • Trang trí: Lá vạn tuế còn được sử dụng để trang trí trong các lễ hội hoặc lễ cưới, bên cạnh đó còn được các cửa hàng hoa tươi dùng khi bó hoa, cắm hoa. Từ đó tận dụng tối đa phần lá của cây cho mục đích trang trí. 
  • Làm quà tặng: Một trong những tác dụng khác mà cây đem lại là làm quà tặng vào các dịp quan trọng. Với ý nghĩa trường thọ, may mắn, vạn tuế thường được lựa chọn tặng vào các dịp lễ mừng thọ, tân gia, khai trương,...
  • Tác dụng y học: Ngoài ra, cây còn có thể dùng để hỗ trợ điều trị một số bệnh lý như giảm huyết áp, bổ thận, chữa đau bụng kinh, giải độc. Lá vạn tuế có thể chữa viêm loét dạ dày tá tràng, xuất huyết cũng như một số bệnh lý khác về xương khớp.
Cây Vạn tuế trồng trang trí sân vườn
Cây Vạn tuế trồng trang trí sân vườn

Ý nghĩa và vị trí đặt cây hợp phong thủy

Ý nghĩa đặc biệt của cây vạn tuế trong phong thủy chính là nhờ khả năng thu hút may mắn, vận khí và năng lượng tích cực, tài lộc cho gia chủ. Ngoài ra còn giúp loại bỏ khí độc, cân bằng âm dương, giúp bạn đạt được nhiều thành công, mang lại bình an và hạnh phúc cho các thành viên trong gia đình.

Trong cuộc sống, loài cây này là biểu tượng cho sự trường thọ, bền bỉ với thời gian. Ngoài ra với vẻ ngoài uy nghi, sức sống mãnh liệt, vạn tuế cũng là đại diện cho sự kiên trì, vượt lên để đạt được thành công trong sự nghiệp.

Mệnh và tuổi hợp trồng cây

Xét theo yếu tố hợp mệnh, hầu như ai cũng có thể trồng giống cây này, tuy nhiên phù hợp nhất với những người có mệnh Mộc và Thủy. Khi trồng nên đặt cây ở hướng Bắc hoặc hướng Tây để có thể thu hút nhiều may mắn, tài lộc và thuận lợi hơn trên con đường công danh. 

Ngoài ra cây rất phù hợp với những người có tuổi: Nhâm Ngọ, Qúy Sửu, Giáp Dần, Canh Thân, Tân Dậu, Nhâm Tuất, Kỷ Tỵ, Bính Tý, Đinh Sửu,... Nếu bạn thuộc các tuổi này có thể cân nhắc trồng vạn tuế làm cảnh để thu hút nhiều thành công, hạnh phúc. 

Vị trí trồng cây hợp phong thủy

Với những ý nghĩ phong thủy mà giống cây này đem lại, bạn hoàn toàn có thể trồng chúng ở trước cửa nhà, vị trí này sẽ giúp thu hút tài lộc và vận khí tốt cho gia chủ. Tuy nhiên cần lưu ý nếu kích thước cây quá lớn hãy lựa chọn vị trí phù hợp để tránh ảnh hưởng tới lối đi hoặc tầm nhìn.

Cây Vạn tuế cổ thụ hơn 800 năm tuổi ở trước đền Hùng
Cây Vạn tuế cổ thụ hơn 800 năm tuổi ở trước đền Hùng

Ý nghĩa cây Vạn tuế ra hoa

Đầu tiên vạn tuế ra hoa là điểm lành báo hiệu nhiều điều may mắn sắp diễn ra, mang lại nhiều sức khỏe và hạnh phúc cho gia chủ. Mặt khác còn giúp đem đến sự hưng thịnh, tài lộc, thành công cho cuộc sống của các thành viên trong gia đình. Do đó khi nở hoa, cây mang nhiều ý nghĩa phong thủy quan trọng mà bạn không nên bỏ qua.

Vạn tuế ra hoa báo hiệu nhiều điều may mắn
Vạn tuế ra hoa báo hiệu nhiều điều may mắn

Cách trồng và chăm sóc cây Vạn tuế

Có thể nói vạn tuế được xếp vào là một trong số những giống cây dễ trồng và chăm sóc nhất hiện nay. Bạn chỉ cần nắm được một số kỹ thuật cơ bản là có thể sở hữu ngay một chậu cây cảnh đẹp trong nhà.

Chuẩn bị đất và dụng cụ

Mặc dù cây không kén đất trồng, tuy nhiên bạn vẫn nên chọn các loại đất thịt, có độ pH từ 5.5 và trộn thêm với phân chuồng ủ, tro trấu, mùn dừa để tăng thêm dinh dưỡng giúp cây có điều kiện sinh trưởng, phát triển tốt nhất. Thêm vào đó tùy vào kích thước cây bạn cần chọn chậu phù hợp, tốt nhất nên sử dụng các loại chậu có đường kính khoảng 40 - 50cm. 

Chọn giống cây

Bạn nên chọn cây giống vạn tuế sở hữu đủ các bộ phận như rễ, lá, cành. Không chọn cây sâu bệnh hoặc có dấu hiệu héo, không phát triển tốt để có thể giúp cây nhanh chóng ổn định, hạn chế tình trạng chết cây. 

Kỹ thuật trồng

Sau khi mua cây giống, bạn đào một hố sâu giữa chậu đất sau đó đặt gốc cây vào chính giữa và lấp đất lại cho đến khi chạm đến phần gốc phình to của thân. Chú ý không trồng quá sâu hoặc quá nông, sau khi trồng tiến hành tưới nước thường xuyên để cây có đủ độ ẩm. 

Chú ý cách chăm sóc, tưới nước cho cây định kỳ
Chú ý cách chăm sóc, tưới nước cho cây định kỳ

Nước tưới

Cây có khả năng chịu hạn tương đối tốt, do đó bạn có thể tưới nước khoảng 3 lần/tuần. Lưu ý không để đất trồng quá khô hoặc quá ướt vì có khả năng ảnh hưởng tới sự phát triển của cây. Vào thời điểm mùa mưa hoặc mùa khô bạn cũng nên điều chỉnh tần suất tưới nước cho phù hợp. 

Nhiệt độ và ánh sáng

Để cây có điều kiện phát triển tốt nhất, bạn không nên trồng cây ở những nơi quá râm hoặc quá nắng gắt. Tốt nhất nếu trồng trong nhà, mỗi tuần hãy đem cây ra nơi có ánh sáng ít nhất 2 lần vào buổi sáng trong khoảng từ 6 - 9h. Bạn cũng có thể trồng cây ở vị trí ban công hoặc cạnh cửa sổ. 

Bón phân

Tùy vào tình trạng cây bạn hãy điều chỉnh tần suất bón phân đề giúp tạo môi trường tốt nhất cho cây phát triển. Trung bình 3 tháng bón phân 1 lần, bón xung quanh gốc bằng các loại phân sinh học, hữu cơ, NPK,...

Cắt tỉa lá

Bạn nên cắt tỉa lá định kỳ, đặc biệt là khi lá già và có dấu hiệu sâu bệnh. Khi tỉa, nên cắt bỏ tận gốc tuy nhiên không nên cắt quá sâu, lựa chọn loại bỏ phần lá già hoặc héo, vàng trước. 

Cây Vạn tuế giá bao nhiêu và mua ở đâu?

Giá cây vạn tuế trên thị trường hiện nay được đánh giá ở mức trung bình, không quá cao và cũng không quá thấp. Mức giá sẽ có sự điều chỉnh tùy theo thời điểm cũng như đơn vị bán cây. 

  • Cây giống vạn tuế: Mức giá có thể dao động trong khoảng từ 80.000 - 150.000 đồng/cây. 
  • Cây cảnh vạn tuế: Mức giá trung bình dao động từ 300.000 đồng trở lên. 

Bạn có thể lựa chọn mua cây giống, cây cảnh ở các cửa hàng cung cấp cây cảnh, các vườn ươm. Bên cạnh đó, hiện nay xu hướng mua cây online ngày càng trở nên phổ biến, bạn có thể tham khảo một số trang web hoặc sàn thương mại điện tử bán cây giống để mua hàng cũng như được giao tận nơi một cách nhanh chóng. 

Trên đây là toàn bộ thông tin liên quan đến cây Vạn tuế, cách trồng, chăm sóc và gợi ý địa điểm bán cây giống uy tín. Nếu bạn có thêm bất cứ thắc mắc hoặc nhu cầu tìm hiểu thêm về các giống cây khác, hãy truy cập ngay Khu Vườn Xanh để cập nhật tin tức nhanh chóng và chính xác nhất. 

Chia sẻ
(5/5, 1 vote)
Phương Dung

Phương Dung

Tác giả