Danh mục Menu

Các loại Sen đá dù và cách nhân giống, chăm sóc

Sen đá dù có thể còn khá xa lạ đối với người chưa có nhiều kiến thức về các loại sen đá. Tuy nhiên, với những người đam mê loại cây cảnh thân mọng nước thì chắc hẳn chúng sẽ là loài được lựa chọn nhiều nhất. Vậy chúng có những đặc điểm gì, có bao nhiêu loại, tất cả sẽ được Khu Vườn Xanh giải đáp ngay sau đây.

Đặc điểm cây Sen đá dù

Sen đá dù có tên khoa học là Echeveria Prolifica, thuộc họ bỏng. Cây có nguồn gốc từ Mexico và được du nhập vào nước ta thời gian gần đây đã tạo nên cơn sốt đặc biệt hấp dẫn người chơi cây cảnh mini. So với các loài khác thì chúng có nhiều đặc điểm nổi bật như:

  • Thân cây: Thuộc giống thân cây mọng nước, từ thân cây mẹ gốc sẽ đẻ ra nhiều nhánh cây mới, các nhánh mọc ra từ nách lá, vươn dài ra xum xuê tạo một điểm nhấn chỉ có riêng ở loài này.
  • Phần lá: Hình dáng lá cây khá mập mạp, hơi tròn thuôn nhọn dần về đầu lá, mọng nước. Đặc biệt, kích thước của lá sen dù có kích thước nhỏ và viền lá có hai màu sắc chính viền đỏ, viền hồng.
  • Phần hoa: Thuộc dòng sen đá dễ ra hoa, hoa của chúng thường nở vào tháng 11, 12 hàng năm. Hoa nở thành chùm với các nụ hoa khá to, cánh hoa và nhụy hoa đều có màu vàng.

Các loại Sen đá dù

Hiện nay trên thị trường sen dù được phân loại dựa vào kiểu dáng, màu sắc của lá và viền lá, cách phân biệt các loại cũng khá đơn giản bao gồm.

Sen đá dù hồng

Đây chính là loại Sen đá viền dù hồng có lá màu hồng nhạt, viền lá có màu hồng đậm hơn. Lá loại này căng tròn hơn, mọng nước, các lá mọc xoáy, xếp chồng lên nhau. Chúng luôn nằm trong TOP được tìm kiếm mua trồng nhiều nhất hiện nay.

Cây sen đá viền dù hồng
Sen đá viền dù hồng sở hữu những chiếc lá căng tròn

Sen đá dù tròn

Sở hữu vẻ đẹp độc đáo khi lá thuôn tròn đều về đầu lá, các lá khá mỏng, có màu xám. Hoa sen dù tròn không giống với các loại còn lại, kiểu dáng bên ngoài nhìn hoa gần giống như hoa thông, các phiến lá xoắn vào nhau rất bắt mắt.

Sen đá dù tròn
Cây Sen dù tròn sở hữu những chiếc lá xếp xen kẽ nhau

Sen đá dù kim

Sen dù kim có tên khoa học là Graptopetalum Macdougallii, là loại sen đá dạng dài, mọc thấp, mọc thành bụi. Lá cây thuôn dài nhọn ở đầu lá, khi cây ra dù các lá sẽ mọc cách xa nhau chia đều về các hướng.

Sen đá dù kim có tên khoa học là Graptopetalum Macdougallii
Sen dù kim có tên khoa học là Graptopetalum Macdougallii

Sen đá dù xanh

So với các loại còn lại thì sen dù xanh có ít đặc điểm nổi bật hơn, khi toàn bộ thân, lá các dù đều có màu xanh đậm. Lá của chúng rất mọng nước, nhọn ở phần đầu lá, các cây con mọc nhiều dù xum xuê bám xung quanh cây mẹ.

Sen đá dù viền đỏ

Mang hình dáng nổi bật hơn, sen dù viền đỏ có viền lá màu đỏ đậm, phân thân lá màu đỏ nhạt hơn hoặc màu xanh. Lá cây mọc xoay quanh nhau nhưng khá thưa để cho các dù mọc ra từ phần nách lá.

Công dụng và ý nghĩa

Với kiểu dáng đặc biệt, đẹp, lạ nên cây thường được chọn trồng nhiều trong các không gian như nhà ở, các quán cà phê, nhà hàng,... một số nơi còn được trồng làm cây cảnh để bàn văn phòng độc đáo, ý nghĩa.

Cũng giống như các loại sen đá khác là chúng có khả năng thanh lọc không khí, loại bỏ bụi bẩn trả lại môi trường sống trong lành. Ngoài ra, chúng còn được chọn làm món quà nhỏ bé vô cùng ý nghĩa cho người thân yêu bằng cách kết hợp với các giống khác tạo thành lẵng hoa sen đá độc đáo và có giá trị cao.

Sen đá dù hồng bụi trồng trang trí cảnh quan sân vườn
Sen dù hồng bụi trồng trang trí cảnh quan sân vườn

Trong phong thủy, Sen đá dù tượng trưng cho sự giàu sang, sung túc, khi từ một cây mẹ lại mọc xum xuê nhiều nhánh con thể hiện sự sinh sôi tài lộc. Hơn nữa, xét theo quy luật trong ngũ hành tương sinh tương khắc, thì màu xanh tượng trưng cho sự tăng trưởng, hài hòa, tươi mát. Màu xanh lá cây chính là màu đại diện cho người mệnh Mộc và là màu tương sinh cho người mệnh Hỏa (gỗ cháy sinh ngọn lửa, nghĩa là Mộc sinh Hỏa) rất tốt. Vì vậy, cây sen dù với màu sắc chủ đạo là màu xanh nên rất hợp với người mệnh Thổ và mệnh Hỏa.

Cách nhân giống cây Sen dù

Hiện nay có nhiều phương pháp nhân giống Sen dù như: giâm cành, giâm lá, tách nhánh cây con từ cây mẹ và gieo hạt. Tuy nhiên, phương pháp tối ưu và đạt hiệu quả cao nhất chính là tách nhánh cây con từ cây mẹ. Cùng tham khảo cách nhân giống bằng cách tách nhánh theo các bước dưới đây:

  • Đầu tiên bạn cần chọn cây con từ những cây mẹ khỏe mạnh, không bị sâu bệnh hại, xanh tốt, phần lá cứng cáp không bị dập nát, rễ khỏe mạnh và không bị thâm đen.
  • Sau đó cẩn thận tách cây con chọn làm giống ra, trồng vào chậu hoặc khay đất đã chuẩn bị sẵn đất trồng chuyên dụng, chú ý thoát nước tối đa cho cây con mới trồng
  • Cần phải che chắn cho cây thật cẩn thận cho cây non và thực hiện chế độ tưới nước thường xuyên để cây nhanh nảy mầm mới.
  • Khi cây con bắt đầu ra rễ và xuất hiện những 2-3 phiến lá đầu tiên là bạn có thể chuyển sang trồng chậu mới

Video hướng dẫn nhân giống Sen dù - Nguồn Youtube

Cách trồng và chăm sóc Sen dù

Với một người bận rộn không có thời gian nhưng lại muốn có một không gian sống xanh, sau một ngày làm việc vất vả, thì lựa chọn trồng sen dù chính là lựa chọn tốt nhất. Khi trồng cây bạn cần chú ý tới các yếu tố kỹ thuật chăm sóc dưới đây, giúp cây sinh trưởng tốt và sớm ra hoa nhé.

Đất trồng

Hầu hết các loại Sen đá đều thích hợp với loại đất tơi xốp thoát nước tốt, đất tơi xốp giúp cây phát triển nhanh, tạo sự thông thoáng cho rễ cây, hạn chế sâu bệnh hại. Cần thay đất mới cho cây sau 7 - 8 tháng trồng bằng cách sử dụng các loại đất trồng sen đá phù hợp.

Yêu cầu cơ bản đối với đất trồng là phải thoát nước thật tốt (tỉ lệ đất trồng gợi ý: tro trấu, than tổ ong đã qua sử dụng đập nhỏ, sơ dừa, phân bò tỉ lệ 4:4:1:1). Sau khi trồng khoản 3-6 tháng trong đất sẽ hết dần dinh dưỡng, bạn có thể sử dụng các loại phân tan chậm rãi lên mặt chậu. 

Nước tưới

Lượng nước tưới cho cây phải phù hợp với nhu cầu của cây, bơi chúng là loài ưa khô, kỵ nước. Vào mùa khô chỉ nên tưới 2 -3 lần/tuần, còn mùa mưa thì không cần tưới thậm chí nếu mưa quá nhiều bạn cần thực hiện thoát úng cho cây tránh tình trạng thừa nước dẫn tới sen đá bị ủng, thối lá, đen rễ.

Vị trí trồng

Chọn vị trí trồng là những nơi thoáng gió, có nhiều ánh nắng mặt trời, không nên trồng ở những nơi thiếu nắng bởi môi trường quá hầm và ẩm thấp màu sắc của cây sẽ không đẹp và rất dễ úng lá. 

Ánh sáng

Ánh sáng và nhiệt độ mặt trời rất quan trọng trong việc quyết định khả năng quang hợp và màu sắc của cây. Nếu nhận đủ ánh sáng sẽ xanh tươi, căng mọng và ngược lại cây sẽ bị còi cọc, mềm lá, màu sắc kém tươi, thậm chí chết cây.

Bón phân

Tiến hành bón phân với liều lượng vừa đủ, 1 tháng 1 lần, không cần bón quá nhiều vì chúng thích sống khô cằn, nếu bạn bón nhiều dễ dẫn tới tình trạng xót cây.

Phòng bệnh

Đối thủ hàng đầu của chúng chính là các loại nấm và các loại rệp sáp hại cây. Cần thực hiện chế độ phơi nắng cây phù hợp, bổ sung các chất dinh dưỡng, tưới nước vừa đủ giúp cây tăng sức đề kháng, đồng thời cần xử lý kỹ các bệnh mà cây gặp phải, tránh lây lan sang cây khác.

Trên đây là toàn bộ những thông tin phân loại cơ bản và cần thiết cho cách trồng Sen đá dù. Hy vọng, bài viết nhận được nhiều phản hồi tích cực từ bạn đọc. Đừng quên nhấn Like, Share và ghé thăm Website thường xuyên để cập nhật thêm thông tin về các loài hoa và cây cảnh khác bạn nhé.

Chia sẻ
(5/5, 2 votes)
Tẩn Mẩy

Tẩn Mẩy

Tác giả