Trong số những giống cây cảnh trồng thủy sinh được yêu thích nhất trên thị trường hiện nay, cây Ráy thủy sinh được nhiều người lựa chọn hơn cả. Giống cây này vừa đa dạng, có sức sống mãnh liệt lại rất dễ trồng, chăm sóc. Nếu bạn đang tìm kiếm thông tin về ráy thủy sinh, đừng qua bài viết dưới đây của Khu Vườn Xanh nhé.
Đặc điểm chung cây Ráy thủy sinh
Cây ráy thủy sinh là giống cây thuộc họ Araceae, có rất nhiều chủng loại khác nhau trên toàn thế giới. Chúng được tìm thấy nhiều ở khu vực Châu Phi, ngày nay xuất hiện ở hầu hết các quốc gia trên toàn thế giới.
Vốn là giống cây thủy sinh được trồng làm cảnh, trang trí không gian khá phổ biến trên thị trường và được đông đảo người chơi cây thủy sinh ưa thích, đón nhận. Bạn có thể dễ dàng nhận biết giống cây này qua những đặc điểm hình thái tương đối nổi bật như:
- Phần thân và rễ cây: Rễ cây ráy thủy sinh có rễ đặc biệt phát triển giúp bám vào giá thể để cây có thể đứng thẳng, đồng thời hấp thụ nước và dưỡng chất từ môi trường xung quanh. Phần thân màu xanh lá, cứng cáp và xốp ở trong, không chia thành nhiều nhánh như các giống cây khác.
- Phần lá cây: Lá cây ráy thủy sinh thường có kích thước nhỏ, lá dẹp hoặc dạng bầu dục có phần đầu nhọn. Tùy vào từng giống cây khác nhau mà chúng có màu xanh hoặc xanh xen lẫn trắng, lá thường bóng, không có lông tơ, viền không có răng cưa.
- Phần hoa: Không phải loại ráy nào cũng có thể ra hoa, đa phần những giống cây ráy phổ biến trên thị trường hiện nay rất hiếm ra hoa. Hoa ráy thủy sinh có kích thước khá nhỏ, chủ yếu mọc từ ngọn và nhìn cũng khá hẫn dẫn, thích thú cho người nhìn.
Các loại Ráy thủy sinh phổ biến
Trên thế giới có rất nhiều giống cây ráy thủy sinh, mỗi loài đều có đặc điểm hình dáng nổi bật, môi trường sống và những ưu điểm khác nhau, trong đó ở Việt Nam đang trồng nhiều nhất là những giống cây dưới đây:
Ráy nana petite
Đây là một loại ráy lá nhỏ, Ráy nana petite có tốc độ phát triển rất chậm, đặc trưng chính của giống ráy này là phần lá có kích thước chỉ từ 1cm. Lá có màu xanh đậm, phần rễ phát triển với chiều dài từ 3 – 4cm. Vì độ hiếm có của mình nên ráy nana petite cũng có mức giá khá cao trên thị trường.
Ráy nana white
Ráy nana white là giống đột biến của ráy nana petite, đúng với tên gọi, giống cây này có lá màu trắng ngọc, phần lá từ 1 – 2cm. Tuy nhiên nana white rất khó trồng và quý hiếm trên thị trường, hầu như không phải ai cũng có thể nhân giống và trồng được.
Ráy lá tròn
Ráy lá tròn có kích thước khá nhỏ, phần thân mảnh, sử dụng ít chất dinh dưỡng và phát triển chậm. Người ta thường sử dụng chúng để trồng trong các bể cây thủy sinh, lá của chúng tròn nhưng kích thước cũng không lớn, thường chỉ từ 2 – 3cm.
Ráy lá vàng Mini
Ráy lá vàng mini hay còn gọi là Ráy golden nana, đây là một giống cây tương đối đặc biệt, phần lá của chúng chuyển từ màu xanh sang vàng. Lá cây có dạng bầu dục, kích thước khoảng từ 1 – 2cm, phần rễ phát triển tương đối dài.
Ráy lưỡi hổ mini
Ráy lưỡi hổ mini hay còn được gọi là Ráy lưỡi hổ cẩm thạch, đây là giống cây có chiều cao trung bình từ 5 – 12cm. Chúng có đặc điểm phần lá tương tự với ráy lá nhỏ tuy nhiên có phần hoa văn và màu sắc giống với đá cẩm thạch. Đây cũng là giống ráy khá hiếm trên thị trường.
Ráy bucep
Ráy bucep có phần thân nhỏ, lá mọc dài và hẹp thường có màu nâu đỏ sẫm, đây cũng chính là điểm thu hút của chúng so với nhiều giống cây khác. Chúng có khả năng sống ở nhiều môi trường với điều kiện sống khác nhau, chính vì vậy rất dễ trồng và chăm sóc.
Ráy pinto
Cũng nằm trong số những giống ráy quý hiếm và có giá trị nhất hiện nay, Ráy pinto được coi là thú vui xa xỉ của người có tiền. Giống cây này có phần lá xanh xen lẫn vàng trắng đặc biệt, kích thước trung bình từ 1 – 3cm. Thân cây không quá to lớn, dao động trong khoảng 5 – 7cm.
Ráy cà phê
Ráy cà phê được tìm thấy trong tự nhiên ở các quốc gia Châu Phi, giống cây này thích hợp nhất để trồng ở những khu vực nhiệt đới, cận nhiệt. Phần lá của chúng có vân nổi, màu đỏ hoặc nâu vàng. Đây cũng có thể nói là một trong số những giống ráy quý hiếm và đắt đỏ hiện nay.
Ráy lá đại
Ráy lá đại là cây có khả năng sinh trưởng và phát triển tốt nhất trong số những loài ráy hiện có. Ráy lá đại sở hữu phần lá khá lớn, dao động từ 7 – 10cm. Phần thân thẳng và dài, rễ mọc nhiều, rậm và phát triển tốt.
Ráy lá trái tim
Đặc trưng của giống cây này là phần lá có hình dạng trái tim nổi bật, đầu lá hơi thuôn dài và nhọn. Ráy lá trái tim có kích thước lá trung bình từ 7 – 12cm, phần thân nhỏ và có màu nâu đỏ, ráy lá trái tim tương đối dễ trồng và hầu như không gặp phải tình trạng sâu bệnh.
Ráy lá dài
Những người yêu thích cây trồng thủy sinh hầu như ai cũng biết tới giống ráy lá dài, đây là loại cây đẹp, khỏa và không yêu cầu chăm sóc quá nhiều. Phần lá của chúng dài, kích thước lên tới 15 – 20cm, lá mỏng, phần viền thẳng hoặc hơi uốn lượn, thân ngắn.
Ráy lá thường/ ráy châu phi
Ráy lá thường hay ráy Châu Phi có tên là Anubias barteri, đây là giống ráy có khả năng sinh trưởng cao, chúng có xu hướng mọc thẳng và chậm. Phần rễ phát triển, lá có hình bầu dục, phần đầu hơi nhọn và phần thân xanh. Lá có độ dày nhất định chứ không quá mỏng như những giống cây khác.
Ráy dây leo
Khác với các giống ráy khác, ráy dây leo có đặc điểm hình thái nổi bật. Phần thân của chúng dài, mọc theo dạng dây leo, lá dẹt, mảnh, thân nhỏ. Giống ráy này nhân giống rất nhanh và dễ dàng chăm sóc cũng như phát triển, do đó giá thành của chúng cũng không quá cao.
Tác dụng của cây Ráy thủy sinh
Cây ráy thủy sinh hay còn được gọi là cây ráy nước, là một loại cây thủy sinh tương đối phổ biến trong việc trang trí hồ cá, hồ thủy sinh và bể cá cảnh. Ngoài tính thẩm mỹ, cây ráy thủy sinh còn có những tác dụng quan trọng khác, đặc biệt là đối với hồ cá.
Giảm lượng nitrat
Ráy thủy sinh hấp thụ nitrat từ nước, đồng thời sử dụng các chất này để phát triển. Nitrat là một chất dinh dưỡng cần thiết cho sinh vật, nhưng trong hồ cá quá nhiều nitrat có thể gây ra tình trạng nước ô nhiễm và tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của tảo xanh và các loại vi khuẩn có hại. Cây ráy thủy sinh giúp giảm lượng nitrat trong nước, từ đó làm giảm khả năng xảy ra các vấn đề nước ô nhiễm.
Cải thiện chất lượng nước
Cây ráy thủy sinh giúp cải thiện chất lượng nước bằng cách hấp thụ các chất cặn bã, vi khuẩn và các chất ô nhiễm khác trong nước. Nhờ vào quy trình này, cây ráy thủy sinh giúp duy trì nước trong hồ sạch và trong suốt, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển và tăng trưởng của các sinh vật.
Cung cấp oxy
Một trong những tác dụng không thể bỏ qua là cây ráy thủy sinh sử dụng quang hợp để sản xuất oxy, giúp cung cấp lượng oxy cần thiết cho động, thực vật sống trong hồ cá. Điều này giúp cải thiện lượng oxy trong nước và tăng cường sức khỏe cho cá và các loại sinh vật thủy sinh khác.
Cách trồng và chăm sóc ráy thủy sinh
- Chuẩn bị cây giống: Cây giống thủy sinh có thể mua hoặc nhân giống từ cây mẹ, bạn ngắt một nhánh cây bao gồm cả thân và rễ, lá sau đó trồng ở khu vực khác để cây phát triển thành một cá thể độc lập.
- Chuẩn bị vật liệu: Đặc tính của ráy thủy sinh là bám vào giá thể để phát triển, do đó khi trồng chúng bạn cần buộc vào lũa hoặc đá. Do đó bạn cần chuẩn bị lũa và đá phù hợp với kích thước cây.
- Trồng cây ráy: Sau khi có lũa hoặc đá, bạn tiến hành buộc ráy vào, khi buộc lưu ý chừa chỗ cho rễ cây bám vào. Lấy dây buộc vào, khi ráy mọc rễ có thể tự bám vào thì hãy tháo dây ra.
- Cung cấp ánh sáng: Ráy thủy sinh cần có ánh sáng tự nhiên hoặc một để cung cấp ánh sáng giúp cây quang hợp. Do đó hãy đặt vị trí trồng cây ở những nơi có ánh sáng, từ đó giúp cây khỏe mạnh và phát triển tốt.
- Cung cấp dinh dưỡng: Ráy cần cung cấp các chất dinh dưỡng để luôn xanh tốt. Bạn có thể sử dụng phân thủy sinh hoặc bổ sung chất dinh dưỡng dạng phân nước theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
- Kiểm tra và thay nước: Kiểm tra thường xuyên các điều kiện nước như pH, nhiệt độ, đảm bảo tạo điều kiện lý tưởng cho ráy thủy sinh. Thực hiện thay nước định kỳ để giữ cho nước luôn trong và sạch.
Cách trồng và chăm sóc Ráy thủy sinh - Nguồn Youtube
Kinh nghiệm trồng cây Ráy thủy sinh
Dựa trên các tài liệu thực vật học và chia sẻ từ những người có kinh nghiệm trồng ráy thủy sinh lâu năm. Để trồng ráy thành công và luôn khỏe mạnh, bạn nên tham khảo một số kinh nghiệm dưới đây:
- Trước khi trồng ráy, bạn cần xác định loại ráp bạn muốn trồng và xem xét các yêu cầu về ánh sáng, pH nước và nhiệt độ của chúng.
- Ráy thủy sinh cần một nguồn ánh sáng để phát triển tốt, tuy nhiên không nên để ánh sáng quá mạnh vì dễ dẫn đến đen lá.
- Nhiệt độ và pH nước quan trọng đối với sự phát triển của ráy thủy sinh. Bạn nên duy trì nhiệt độ và pH ổn định, không quá cao hoặc quá thấp.
- Để ráy thủy sinh phát triển tốt, bạn cần chăm sóc và cắt tỉa nó thường xuyên.
- Kiểm tra mức nước định kỳ và điều chỉnh khi cần thiết để duy trì môi trường sống tốt cho ráy.
Ráy thủy sinh giá bao nhiêu và mua ở đâu?
Về giá cả, giá cây Ráy thủy sinh trên thị trường có thể thay đổi tùy thuộc vào loại cây và cửa hàng bán. Thông thường, giá của các loại ráy cơ bản thường dao động từ 20,000-50,000 VNĐ cho một cây nhỏ. Trong khi đó, các loại ráy thủy sinh đẹp hơn giá từ 50,000-200,000 VNĐ. Một số loài quý hiếm có thể dao động từ vài triệu đến vài chục triệu.
Để mua ráy thủy sinh, bạn có thể tham khảo các cửa hàng cây cảnh, cây thủy sinh hoặc các tiệm bán bể cá, cá cảnh. Ngoài ra, bạn cũng có thể tìm mua trực tuyến từ các trang web, các sản thương mại điện tử để được tư vấn và giao hàng nhanh chóng.
Trên đây là thông tin về giống cây Ráy thủy sinh, nếu bạn đang quan tâm đến giống cây này thì hãy tìm hiểu kỹ trước khi lựa chọn. Mong rằng bài viết sẽ giúp ích cho bạn đọc, nếu như có thêm thắc mắc hoặc vấn đề muốn giải đáp hãy theo dõi những thông tin khác trên Khu Vườn Xanh nhé.