Trong các loại cây ăn quả, cây khế đứng top đầu về sự quen thuộc tại Việt Nam. Với đặc tính dễ sinh trưởng, phù hợp với đa dạng khí hậu, đất đai, có thể phát triển mạnh mẽ từ Bắc vào Nam. Vậy loại cây này có đặc điểm như thế nào, ý nghĩa phong thủy ra sao, cách trồng và chăm sóc có dễ không? Hãy để Khu Vườn Xanh giải đáp chi tiết cho bạn trong bài viết sau đây.
Đặc điểm của cây Khế
Khế là giống cây ăn quả phổ biến, cây có tên khoa học là Averrhoa carambola. Cây có nguồn gốc từ Sri Lanka, sau đó được du nhập vào Việt Nam và trở nên phổ biến khắp mọi miền đất nước.
Ở nước ta Khế được trồng chủ yếu với mục đích lấy lá, quả và làm cây cảnh bonsai đẹp. Bạn có thể dễ dàng nhận biết cây qua những đặc điểm hình thái nổi bật như:
- Thân cây không quá to và không quá cao, thường cao từ 5 - 12m. Phần thân già thường có màu nâu đỏ, cây ra nhiều cành, cành giòn rất dễ bị gãy.
- Rễ cây là loại rễ trụ, khỏe bám và ăn sâu vào lòng đất khoảng 2m-3m
- Lá khế thuộc họ lá kép, mọc cách nhau. Lá có hình bầu dục, thuôn nhọn ở đầu. Mặt dưới lá khế màu xanh nhạt hơn mặt trên.
- Hoa khế thường có màu hồng nhạt, mọc theo chùm, mỗi hoa có 5 cánh.
- Quả khế mọng nước, có 5 múi giống hình ngôi sao. Khi còn non, quả thường có màu xanh, khi chín chuyển sang màu vàng. Có hai loại khế ngọt và khế chua phổ biến trên thị trường được nhiều người ưa thích khi kết hợp các món ăn
Phân loại giống Khế
Ngoài hai vị cơ bản của quả khế là ngọt và chua, hiện nay trên thị trường cây ăn trái có một số loại giống Khế khác được trồng phổ biến hiện nay gồm: Khế Nhật, khế Tàu, khế ngọt ta lá xoắn, khế Thái và khế ngọt Hoàng Kim
Khế Nhật
Sở hữu trái có vị chua thanh dịu hơn so với khế chua ta, khi chín màu vàng nhạt, múi thẳng, viền xanh nhẹ, nhìn rất đều, đẹp mã và nhìn rất thích mắt
Khế Tàu
Khác với các giống khế thường thấy có 5 múi hình ngôi sao, quả khế Tàu Đài Loan có hình dáng khá giống như nho móng tay nhưng kích thước quả to hơn, vỏ màu xanh. Giống khế này có vị chua đặc trưng.
Khế ngọt ta
Nổi tiếng và được nhiều người ưa thích nhờ phần quả có vị ngọt nhẹ và có màu vàng nhạt khi chín, kích thước quả to, sai quả và mọng nước. Trước đây cây khế ngọt được trồng nhiều với mục đích lấy quả, tuy nhiên ngày nay nhu cầu sử dụng không bằng khế chua nên số lượng cây trên cả nước đang giảm dần.
Khế ngọt lá xoắn
Giống Khế này có kích thước quả khá nhỏ chỉ khoảng 2 ngón tay, lá cây cong xoắn, màu xanh đậm, thường mọc thành chùm, khi chín có màu vàng tươi và vị ngọt dịu.
Khế Thái
Là giống khế ngọt có phần lá mỏng, quả khi chín ngọt nhẹ và có màu vàng nhạt. Ưu điểm của giống Khế Thái đó chính là dễ trồng, khả săng sinh trưởng cao, nhanh ra hoa đậu quả, ít bị sâu bệnh và không kén đất. Đặc biệt giống này có tuổi thọ bền, rất nhanh ra hoa, trái lớn gấp 2-3 lần những khống khế thông thường và giá bán cao gấp 2-3 lần. Ngoài ra, Quả Khế Thái có vị rất ngọt nên thường được dùng như một loại quả ăn tráng miệng hoặc chế biến món ăn, nước ép.
Khế ngọt Hoàng kim
Thực chất đây là giống khế đột biến nhưng vẫn giữ được các tính chất đặc biệt là loại khế ngọt thông thường. Khế ngọt Hoàng Kim hay còn gọi là Khế ngọt cẩm thạch có xuất xứ từ Việt Nam với số lượng rất ít trên thị trường cây ăn trái và chưa ghi nhận có mặt tại những nơi khác.
Khế ngọt Hoàng Kim sở hữu lá non có màu hồng, nhánh chồi non màu hồng. Nhưng khi lá trưởng thành thì lại có màu vàng tươi, và cuối cùng chúng có màu trắng cẩm thạch rất đẹp mắt. Quả của giống cây này khi non có màu vàng nhạt, lớn lên chuyển dần sang màu xanh ngả vàng. Khi ăn có vị ngọt hơn các giống Khế thông thường do đây là giống cây đột biến.
Tác dụng của cây Khế
Có thể bạn chưa biết cây Khế ngoài mục đích được trồng làm cây ăn quả, làm cảnh trang trí hay bonsai giá trị, chúng còn nhiều tác dụng tuyệt vời khác trong đời sống và trong Đông Y.
- Trong Đông y: Rễ khế có tác dụng phòng trừ phong thấp. Hoa khế có tác dụng phòng trừ bệnh sốt rét. Lá và thân cây có tác dụng lợi tiểu, tiêu viêm và trị ngứa ngoài ra rất hiệu quả. Ngoài ra còn có tác dụng trị các bệnh như: Đau khớp, đau đầu mãn tính, lách to gây sốt cao, đau họng, ho kéo dài, viêm dạ dày, sổ mũi, chấn thương gây đau nhức, viêm mủ ngoài da, thân hư, sởi...
- Dùng làm thực phẩm: Phổ biến nhất là sử dụng quả khế làm ẩm thực trong các món ăn có đồ ăn kèm như nộm và một số món ăn phù hợp với đồ chua, gỏi,..
- Dùng làm cây bóng mát, cây cảnh: Cây Khế được đánh giá là mang ý nghĩa trong phong thủy rất tốt, gần gũi tượng trưng cho sự hiền hòa, hiền hậu như đức tính con người Việt Nam, ... bởi vậy cây còn được sử dụng làm cây cảnh bonsai trang trí không gian đẹp mắt, một số gốc cổ thụ có dáng đẹp, độc đáo có giá trị lên tới hàng trăm triệu đồng
Ý nghĩa của cây Khế
Câu chuyện Cây khế, quê hương là chùm Khế ngọt, cho con trèo hái mỗi ngày là những câu chuyện, lời hát đã gắn liền với tuổi thơ của mỗi người dân Việt Nam cũng như trong văn học hay thơ ca. Khế không chỉ là loại cây ăn trái quen thuộc mà còn mang ý nghĩa phong thủy vô cùng độc đáo.
Với sức sống mạnh mẽ, cây lớn khỏe, cành lá xum xuê, quả sai trĩu như đàn lợn con màu vàng, những cánh múi khế tựa như ngôi sao 5 cánh may mắn, bởi vậy cây Khế trong phong thủy là biểu tượng của sự may mắn, thịnh vượng cho gia chủ. Do đó, nhiều gia đình trồng trong vườn hoặc trồng cảnh trước nhà để luôn hút tài lộc, may mắn, vạn sự bình an tới cho gia chủ và gia đình.
Cách trồng và Chăm sóc cây khế
Trong các loại cây ăn quả, cây khế được đánh giá là dễ trồng và chăm sóc nhất. Tuy nhiên, bạn cần nắm vững kỹ thuật trồng, chăm sóc cây thì cây mới phát triển tốt, sai trái, thơm ngon. Dưới đây là các yếu tố kỹ thuật khi trồng cây, áp dụng cho cả Khế ngọt và Khế chua
Chuẩn bị đất trồng
Khế hay ưa đất tơi xốp, thoát nước tốt, giàu dinh dưỡng. Nên đào hố kích thước 60x60x60cm, sau đó trộn đất với phân hữu cơ (phân chuồng ủ hoai, phân gà,...). Nếu trồng trong chậu, chậu cũng cần có kích thước tương tự như hố khi trồng ở đất.
Nhiệt độ, ánh sáng
Khế là cây ưa ấm, phù hợp ở nhiệt độ 22 - 25 độ C, đặc biệt là chúng không ưa ánh nắng chiếu thẳng. Do đó, bạn có thể trồng xen kẽ những cây cao lớn để giảm nắng cho cây.
Chọn cây giống
Bạn có thể ươm cây Khế bằng hạt, tuy nhiên cách này mất rất nhiều thời gian. Do đó, hãy lựa chọn cây khế giống ở vườn ươm là giải pháp hiệu quả hơn, tiết kiệm hơn bởi giá thành khá rẻ.
Cách trồng
Cho cây giống vào giữa hố/chậu, lấp đất và nén chặt xung quanh gốc. Để cây không bị gió làm lay gốc, bạn có thể cắm cọc và buộc dây. Sau đó, tưới nước giữ ẩm cho đất và tưới nước thường xuyên.
Tưới nước
Nên tưới nước cho cây từ 1 - 2 lần/ngày nếu trồng chậu, đặc biệt là thời điểm khi mới trồng và khi đơm hoa, kết trái cây sẽ cần nhiều nước hơn bình thường.
Cắt tỉa
Khi cây đạt chiều cao từ 80 – 100cm, bạn có thể tỉa bớt những cành nhỏ, tạo dáng cơ bản, để tập trung nuôi cành lớn.
Bón phân
Nên bón phân thường xuyên từ 1-2 tháng/lần, tránh không được bón phân sát gốc cây, tiến hành làm cỏ xung quanh gốc để tránh cỏ ăn hết dinh dưỡng của cây.
Phòng sâu bệnh
Khế dễ bị sâu đục thân phá hoại, bạn có thể dùng nước vôi quét vào gốc cây để phòng bệnh này. Chú ý thường xuyên kiểm tra và bắt sâu tránh để sâu ăn vào gốc cây.
Thu hoạch
Khi trái khế bắt đầu chuyển sang màu xanh vàng hoặc vàng ươm, da căng mọng nước là bạn có thể thu hoạch. Nên hái nhẹ nhàng để tránh làm dập quả.
Cây khế giá bao nhiêu và mua ở đâu?
Trên thị trường cây cảnh hiện nay, giá cây khế giống có giá khá rẻ, dao động từ 25.000 - 100.000 VNĐ/cây tùy loại. Đối với các loại cây dáng phong thủy, giá cây sẽ có từ 100.000 VNĐ đến hàng triệu đồng tùy thuộc vào thế đứng của cây, tuổi thọ và giống cây. Để mua cây khế cảnh đẹp, giá thành hợp lý, bạn nên lựa chọn các vườn ươm, các đơn vị cung cấp cây uy tín, lâu năm và nên tìm hiểu kỹ trước khi mua để đảm bảo về chất lượng cây.
Hy vọng với những thông tin trên, bạn đã có những kiến thức chi tiết về cây Khế. Nếu còn thắc mắc, bạn hãy để lại bình luận phía dưới bài viết để được các chuyên gia của chúng tôi tư vấn. Đừng quên nhấn Like, Share và truy cập Khu Vườn Xanh mỗi ngày để cập nhật thêm thông tin, kiến thức về các loài hoa, cây cảnh khác bạn nhé.