Danh mục Menu

Cách trồng Dưa leo (Dưa chuột) trong chậu sai trĩu quả

Việc sử dụng dưa leo trong các món ăn đã xuất hiện từ rất lâu trong mâm cơm của người Việt. Đây là một món ăn được rất nhiều người yêu thích, không chỉ giúp tăng hương vị mà còn hỗ trợ giảm cân hiệu quả cho chị em. Chúng có thể dùng ăn trực tiếp hoặc dùng để kết hợp với những món ăn khác, ngoài ra cũng có thể sử dụng riêng để tạo thành món nộm hay salad.

Cách trồng dưa leo rất đơn giản tuy nhiên đòi hỏi người trồng phải nắm bắt được kỹ thuật mới có thể giúp cây nâng cao năng suất. Cùng tìm hiểu ngay thông tin kỹ thuật trồng Dưa chuột trong bài viết dưới đây của Khu Vườn Xanh nhé.

Đặc điểm sinh trưởng cây Dưa leo

Dưa leo hay còn được gọi là dưa chuột, có tên tiếng anh là Cucumber, thuộc họ bầu bí. Chúng là giống cây thân thảo, mọc dài, kích thước trung bình dao động từ 1 – 3m, có nhiều tua để bám và leo. Lá dưa leo to, màu xanh đậm và có nhiều gân lá nổi rõ, phần hoa phân thành hoa đực và cái riêng biệt. Quả dưa chuột dài, kích thước từ 7 – 15cm, thịt dày và có hạt mềm bên trong.

Cách trồng Dưa leo trong chậu sai trĩu quả
Cách trồng Dưa leo trong chậu sai trĩu quả

Theo các tài liệu nghiên cứu cây trồng về đặc điểm sinh trưởng, cây Dưa chuột phù hợp nhất để phát triển trong những điều kiện như:

  • Về nhiệt độ: Giống cây này rất mẫn cảm với sương giá và khí hậu lạnh, nhất là những khu vực có khí hậu thấp dưới 5 độ C. Do đó nhiệt độ phù hợp nhất cho sự sinh trưởng và phát triển của cây dao động từ 30 độ và khoảng từ 18 – 21 độ vào ban đêm. Nếu cao hơn quá nhiều, cây cũng không thể phát triển tốt.
  • Ánh sáng: Điều kiện về ánh sáng vô cùng quan trọng, cây dưa chuột khá ưa sáng, thời gian chiếu sáng cần đáp ứng từ 10 – 12 giờ/ngày. Thiếu ánh sáng cây sẽ không thể phát triển và cho năng suất cao được.
  • Về độ ẩm: Độ ẩm cần cung cấp cho cây khá cao, trung bình từ 80%, nếu thiếu ẩm cây trồng sẽ không thể phát triển và cho ra nhiều quả, đặc biệt là trong giai đoạn cây đang thụ phấn cũng như tạo thành những quả non.

Kỹ thuật trồng Dưa leo

Hiện nay mô hình trồng dưa leo được trồng ở nhiều khu vực có diện tích lớn, ngoài ra bạn có thể dễ dàng trồng được ngay cả ở các khu đô thị, trên khu vực ban công của ngôi nhà. Kỹ thuật trồng không có gì khó khăn, bạn chỉ cần nắm rõ một vài yêu cầu chính dưới đây:

Đất trồng

Do dưa chuột là giống cây có bộ rễ tương đối yếu và sức hấp thụ của rễ kém, vì vậy giống cây này có yêu cầu rất cao về đất trồng. Ngoài việc phải đảm bảo nguồn dưỡng chất đầy đủ cho cây thì đất trồng còn phải là những loại đất như đất cát pha, đất thịt nhẹ,... Độ pH không được nhỏ hơn 5 và không gần các nguồn nước ô nhiễm có thể ảnh hưởng tới cây.

Chọn giống

Trên thị trường hiện nay có vô số các giống dưa chuột khác nhau, từ dưa chuột ta, dưa chuột chịu lạnh/chịu nóng, dưa chuột lùn, dưa chuột baby, dưa chuột kiếm,... để bạn lựa chọn. Hãy lựa chọn hạt giống Dưa leo phù hợp với nhu cầu của bản thân, khi chọn lưu ý cần chọn giống thích hợp với mùa vụ và khí hậu địa phương, không sâu bệnh và có khả năng nảy mầm cao.

Thời vụ trồng

Bạn có thể trồng vào bất cứ vụ mùa nào trong năm, tuy nhiên có hai mùa vụ trồng Dưa leo có sản lượng và năng suất tốt nhất chính là vụ xuân hè và thu đông. Tránh những thời điểm nắng gắt hoặc lạnh giá. Trong đó

  • Vụ xuân hè: Kéo dài từ tháng 2 – cuối tháng 4, đây là thời điểm khí hậu thích hợp nhất, không có nắng gắt lại thường xuyên có mưa phùn. Thời gian thu hoạch vào cuối tháng 4 – tháng 6.
  • Vụ thu đông: Kéo dài từ tháng 7 đến tháng 10, khi đó thời tiết chưa chuyển sang lạnh giá, đồng thời còn có nhiều mưa cung cấp độ ẩm cho cây. Thu hoạch từ tháng 9 – tháng 11.

Trồng Dưa leo đúng mùa vụ cây sẽ ra nhiều trái và năng suất cao

Khoảng cách trồng

Khi trồng trên diện tích lớn hay nhỏ, bạn cần chú ý đến khoảng cách trồng dưa leo hợp lý, các luống cần cách nhau ít nhất là 30cm, lên luống cao từ 20 – 25cm. Do là giống cây leo nên khoảng cách giữa các cây cũng cần đảm bảo để khi leo giàn không bị ảnh hưởng lẫn nhau. Khoảng cách phù hợp nhất giữa các cây trồng là từ 45 – 50cm.

Cách ngâm ủ hạt

  • Bước 1: Hạt giống sau khi mua về, tiến hành ngâm trong nước ấm khoảng từ 30 – 35 độ C.
  • Bước 2: Sau khoảng 2 tiếng vớt ra và rửa sạch lại bằng nước sạch, dùng một miếng khăn ẩm bỏ hạt vào và ủ.
  • Bước 3: Ủ trong vòng từ 3 – 5 ngày, chú ý luôn giữ độ ẩm thích hợp sau khi thấy hạt giống nứt ra và nảy mầm bạn có thể đem chúng đi gieo.

Cách gieo hạt

  • Bước 1: Sau khi hạt đã ngâm và nảy mầm, bạn tiến hành chuẩn bị đất, loại bỏ sâu bệnh và cung cấp thêm dinh dưỡng.
  • Bước 2: Tiến hành gieo hạt Dưa leo bằng cách đào các hố nông, mỗi hố cách nhau từ 8 – 12cm, thả hạt vào và lấp kín đất.
  • Bước 3: Dùng bình phun sương tưới nước đều đặn hàng ngày để cây nhanh chóng phát triển. Sau khoảng 5 – 7 ngày cây sẽ cao lớn hơn, lúc đó bạn có thể tách bầu và đem đi trồng.

Cách trồng Dưa leo

  • Bước 1: Tiến hành tách bầu cây đã gieo hạt từ trước, mỗi bầu bao gồm 1 cây, sau đó đặt vào phần đất đã chuẩn bị. Có thể trồng trong chậu hoặc ngoài vườn/ruộng.
  • Bước 2: Đặt bầu cây vào chính giữa hố sau đó dùng đất lấp kín phần bầu và rễ, dùng tay nhấn nhẹ để cố định giúp cây đứng thẳng.
  • Bước 3: Tưới nước mỗi ngày 1 lần để cung cấp đủ ẩm cho cây trồng, hạn chế dùng lực mạnh để tưới sẽ khiến cây bị bung gốc.

Cách làm giàn

Cho dù bạn trồng với diện tích nhỏ hay lớn, trồng chậu hay thùng xốp chúng ta nên làm giàn cho chúng leo bởi chúng có đặc tính là leo bám trên giàn. Cách làm giàn cho Dưa leo không quá phức tạp và cầu kỳ, bạn có thể thực hiện dễ dàng qua các bước hưỡng dẫn dưới đây:

  • Bước 1: Chuẩn bị vật dụng bao gồm cọc giàn như sào tre, nứa, cọc gỗ, cọc sắt, lưới giàn và các vật dụng khác như kìm, dây thép, dây cước,...
  • Bước 2: Dùng các cọc giàn cắm song song với nhau sao cho khoảng cách giữa các cọc dao động từ 2 – 3m.
  • Bước 3: Giăng dây thép/dây cước chắn vào nóc trên các cọc và phía dưới mép cọc tạo khung sườn cho giàn.
  • Bước 4: Dùng dây kẽm, cước buộc cố định các góc lưới sau đó luôn vào dây chằng liên kết, buộc chặt.
Cách làm giàn trồng Dưa leo đơn giản
Cách làm giàn trồng Dưa leo đơn giản

Cách chăm sóc cây Dưa leo ra sai quả

Ngoài việc đáp ứng các yếu tố kỹ thuật cơ bản như hạt giống, khoảng cách, đất trồng và kỹ thuật trồng cơ bản, để trồng dưa chuột có năng suất cao ngoài việc trồng đúng kỹ thuật còn cần có phương pháp chăm sóc phù hợp.

Cách bón phân

Bạn cần bón phân thường xuyên cho cây, tùy vào từng giai đoạn phát triển lượng phân bón cũng cần thay đổi. Có 3 giai đoạn chính khi trồng cây Dưa leo bạn cần dùng tới phân bón bao gồm: Giai đoạn cây con, giai đoạn phát triển và giai đoạn thụ phấn của hoa. Sử dụng các loại phân chuồng, phân hóa học hoặc phân hữu cơ. Tần suất bón phân khoảng 3 tuần/lần.

Tưới nước

Dưa leo cần nguồn nước tưới dồi dào, mỗi ngày bạn nên tưới cho cây ít nhất 2 lần. Tùy thuộc vào tình hình thời tiết để thay đổi tần suất sao cho phù hợp. Tuy nhiên đừng để cây bị úng nước vì rất dễ gây ra tình trạng thối rễ, héo cây và một số bệnh lý khác khi bị úng rễ.

Cách ngắt ngọn, cắt tỉa Dưa leo

Khi cây trưởng thành và bắt đầu ra hoa, bạn có thể tiến hành ngắt ngọn hoặc cắt tỉa bớt các phần lá, nhánh cây thừa. Mục đích của việc này là giúp cây tập trung ra hoa và phát triển quả, nâng cao năng suất. Khi cắt tỉa, ngắt ngọn nên chú ý không cắt quá sâu, ngắt khoảng 30% số ngọn, không ngắt quá nhiều vì có thể ảnh hưởng tới khả năng phát triển của cây.

Phòng bệnh cho cây Dưa leo

Dưa leo là giống cây thường gặp phải sâu bệnh, những loại bệnh thường gặp nhất phải kể tới thối rễ, thối cuống, sâu đục thân, nấm cây,... Lúc này bạn cần sử dụng các loại thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật để cải thiện tình trạng bệnh cho cây. Trong trường hợp nhẹ hơn có thể tiến hành cắt tỉa bỏ phần cây bị sâu bệnh.

Tuy nhiên một điều cần lưu ý, đối với Dưa chuột sắp cho thu hoạch bạn không nên phun thuốc sâu với thời gian quá gần, nên phun khoảng 20 ngày trước khi thu hoạch quả để đảm bảo yếu tố an toàn thực phẩm.

Thu hoạch Dưa leo

Dưa leo sau khi trồng từ 50 – 70 ngày là có thể thu hoạch, khi thu hoạch bạn cần chú ý lựa chọn các quả có kích thước thích hợp từ 7 – 15cm, vỏ ngoài không còn gai mềm. Cách thu hoạch Dưa leo đảm bảo an toàn là dùng kéo hoặc dao cắt từ phần cuống của dưa leo.

Không nên để dưa chuột có kích thước quá lớn mới thu hoạch vì khi đó chúng đã bị già, khi ăn sẽ không còn ngon, giòn nữa. Sau khi thu hoạch, bạn cần tiến hành tưới nước cho cây để cây có đủ dưỡng chất phát triển cho những quả non.

Thu hoạch Dưa leo khi trái đạt kích thước vừa phải
Thu hoạch Dưa leo khi trái đạt kích thước vừa phải

Kim nghiệm trồng Dưa leo trong chậu

Ngày nay việc trồng dưa leo trong chậu hay trong thùng xốp ở ban công hay sân thượng tại khu vực đô thị cũng phổ biến hơn rất nhiều, bạn có thể tham khảo một số kinh nghiệm dưới đây để quá trình trồng thuận lợi hơn:

  • Tìm mua hạt giống Dưa leo chất lượng, có tỉ lệ nảy mầm cao, khả năng sinh trưởng tốt tại những nơi uy tín như Hạt giống Khu Vườn Xanh
  • Nên chọn chậu có kích thước vừa phải, đảm bảo khả năng thoát nước tốt cho cây.
  • Đặt chậu cây ở nơi có ánh sáng phù hợp, không trồng trong bóng râm.
  • Khi gieo hạt có thể đặt từ 1 – 3 hạt vào một chậu là phù hợp nhất, không nên đặt quá nhiều.
  • Kể cả khi trồng dưa chuột trong chậu bạn vẫn phải làm giàn leo cho dưa chuột.

Trên đây là toàn bộ thông tin liên quan tới cách trồng Dưa leo, mong rằng thông qua bài viết của Khu Vườn Xanh bạn đã có thêm nhiều kiến thức liên quan để áp dụng vào việc trồng cây. Từ đó giúp nâng cao năng suất cây trồng và hạn chế tối đa tình trạng sâu bệnh.

Chia sẻ
(5/5, 3 votes)
Phương Dung

Phương Dung

Tác giả